Xây dựng, phát huy giá trị thương hiệu Việt

Ngày 20-4 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn là “Ngày Thương hiệu Việt Nam” nhằm ghi nhận những đóng góp, đồng thời động viên, khích lệ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp tục đạt những thành quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó khơi dậy những nỗ lực của các ngành, các cấp và nhiệt huyết của cộng đồng DN xây dựng thương hiệu Việt phát triển bền vững. Đóng góp vào thành công chung của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước những năm qua phải kể đến vai trò quan trọng và nỗ lực không ngừng của cộng đồng DN Việt Nam trong xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, giúp tạo dựng uy tín cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Việt Nam hiện đã có một số thương hiệu sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng, chiếm lĩnh thị trường trong nước và bắt đầu vươn ra thế giới, tuy nhiên, số này còn ít. Nhiều sản phẩm không được mang thương hiệu Việt mà phải “núp bóng” sản phẩm, hoặc gia công cho nước ngoài. Người nước ngoài cũng ít biết đến những thương hiệu sản phẩm Việt Nam.

Đây là điều thiệt thòi cho các DN trong nước. Phần lớn các DN chưa nhận thức đúng về thương hiệu, do đó còn vấp phải khó khăn trong việc xây dựng, giữ gìn uy tín và hình ảnh cũng như phát triển thương hiệu, hoặc nghĩ đơn giản, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm là không cần thiết (tốn kém, mất thời gian, thủ tục phiền hà), chưa xác định được thương hiệu chính là vũ khí cạnh tranh, tài sản vô hình của DN.

Thậm chí, trong cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nhiều thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam nếu không đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu tại các thị trường kịp thời thì nguy cơ bị chiếm đoạt thương hiệu, rơi vào tranh chấp, kiện tụng với nước ngoài sẽ thường xuyên hơn. Đó còn chưa kể tới tình trạng hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ, bản quyền sở hữu công nghiệp chưa được xử lý triệt để. Những hành vi gian dối như bơm tạp chất vào tôm, chè bẩn… đã làm giảm uy tín thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên một số thị trường ngoài nước, bị các đối thủ cạnh tranh lợi dụng để bôi nhọ.

Nhiều tập đoàn lớn nước ngoài với tiềm lực tài chính dồi dào, đã bắt đầu để ý đến thị trường Việt Nam, vung tiền “thôn tính” thông qua mua bán - sáp nhập để sở hữu các thương hiệu lớn, thậm chí tìm mọi cách chen chân vào để lợi dụng các chỉ dẫn địa lý, sản phẩm nổi tiếng có sẵn của nước ta. Việc chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, giá trị thương hiệu dẫn đến DN thiếu chiến lược, không đầu tư chuyên sâu, thiếu chuyên nghiệp trong công tác giới thiệu sản phẩm hướng tới khách hàng nói chung và xây dựng uy tín thương hiệu nói riêng, dẫn tới mất định hướng trước khi phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Chúng ta đang trong xu thế hội nhập, vươn ra thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu, càng phải tính tới phát triển, gìn giữ và bảo hộ thương hiệu, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, kịp thời xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp các cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước.

Bên cạnh cơ hội mở rộng và phát triển, các DN Việt Nam còn phải đối mặt không ít khó khăn trong cạnh tranh với các thị trường mới. Vì vậy, "Ngày Thương hiệu Việt Nam" chính là dịp để tôn vinh giá trị thương hiệu Việt, nhưng đồng thời cũng để cộng đồng DN Việt Nam nhận thức rõ hơn khó khăn, thách thức, từ đó tiếp tục chủ động, sáng tạo, vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, coi trọng đầu tư chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín với khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Muốn có thương hiệu tốt, trước hết sản phẩm phải có chất lượng ổn định, giá cả cạnh tranh, sản lượng đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại; các hiệp hội ngành hàng hướng dẫn DN xây dựng và giữ gìn “chữ tín”, chính là cách xây dựng thương hiệu sản phẩm bền vững, phát huy giá trị thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bình luận của bạn