Xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Đắk Lắk

Sầu riêng không chỉ là cây trồng thế mạnh, tiêu thụ tốt, giá trị cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con Đắk Lắk mà còn là sản phẩm mang đậm thương hiệu của miền núi Tây Nguyên.

Nâng cao giá trị sầu riêng

UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar”.

Huyện Cư M’gar hiện có hơn 4.500 ha sầu riêng, trong đó 1.000 ha được quy hoạch vào vùng trồng tập trung tại xã Ea Tar và các xã lân cận. Vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, huyện có hơn 1.000 ha kinh doanh, sản lượng ước đạt trên 20 ngàn tấn. Dự báo trong thời gian tới, diện tích và sản lượng sầu riêng của huyện sẽ dẫn đầu toàn tỉnh.

Để bảo đảm quyền lợi và tăng hiệu quả, giá trị cho người sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn huyện, UBND huyện đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Cư M’gar” và được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Cư M’Gar" số 456481 theo Quyết định số 5327, ngày 10/7/2023, có hiệu lực 10 năm tính từ ngày cấp.

Theo UBND huyện Cư M’gar, nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cư M’gar” sẽ là cơ sở giúp cho người trồng sầu riêng yên tâm lao động sản xuất để tạo ra giá trị sản phẩm được khách hàng tin tưởng sử dụng. Tạo thêm uy tín đối với sản phẩm sầu riêng Cư M’gar mang lại nguồn lợi có giá trị về kinh tế đối với người trồng sầu riêng.

Chứng nhận nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar” cũng sẽ là cơ sở để huyện quảng bá về hình ảnh, quê hương và con người huyện Cư M’gar đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch trên địa bàn huyện. tạo cơ hội liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện thành công đề án phát triển ngành hàng sầu riêng của tỉnh đến năm 2030”. Đồng thời, tạo cơ hội liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện thành công đề án phát triển ngành hàng sầu riêng của tỉnh đến năm 2030”.

Như vậy, sầu riêng Cư M’gar là sản phẩm thứ hai được cấp nhãn hiệu, sau sầu riêng Krông Păc. Với khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, người dân Đắk Lắk đã trồng nhiều giống sầu riêng như: Ri6, Dona chất lượng tốt, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Những năm gần đây, sầu riêng là cây trồng có giá trị kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây trồng truyền thống ở Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, cao su.

Mặc dù thương hiệu sầu riêng đã được xây dựng thành công và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, nhưng để phát triển bền vững thì vẫn còn nhiều khó khăn, trăn trở.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT HTX Cây ăn trái Krông Pắc cho rằng, trong tiến trình phát triển của nông sản, việc công nhận nhãn hiệu mới chỉ là “đặt một cái tên” cho nông sản mà thôi. Bởi, đối với thương hiệu nông sản thì chất lượng là yếu tố quyết định giá trị thương hiệu. Sầu riêng Krông Pắc có mặt trên thị trường nhiều năm nay và được đánh giá có chất lượng tốt: thơm, ngon, cùi vàng, có độ ngọt và béo cao. Do đó, từ trước đến nay và tương lai, sẽ có những đơn vị mua bán sầu riêng đem sầu riêng từ vùng khác về đóng gói tại Krông Pắc và mạo danh sầu riêng Krông Pắc. Điều này có thể sẽ làm mất chất lượng, giá trị của thương hiệu của địa phương.

Do đó, huyện Krông Pắc cần xây dựng hàng rào pháp lý cơ bản để bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình, sử dụng nhãn hiệu đúng và trúng sản phẩm. Còn bản thân nông dân cũng căn cứ vào những tiêu chí chất lượng liên quan để xây dựng và phát triển vườn cây theo hướng an toàn, bền vững. 

Giữ gìn thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk

Theo số liệu năm 2023 của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tỉnh có 22.458ha trồng sầu riêng, đứng đầu cả nước với sản lượng cho thu hoạch xấp xỉ 200.000 tấn hàng năm. Ngày 21/8/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản số 3004/SNN-QLCL về việc thống nhất tên gọi chung và bảo vệ thương hiệu đối với sầu riêng Dona. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sầu riêng được trồng chủ yếu là các giống như Dona, Monthong, RI6 và giống địa phương. Những năm gần đây Sầu riêng Dona và RI6 được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới nhưng tên gọi chưa chuẩn.

Để tránh nhầm lẫn và bảo vệ thương hiệu đối với sản phẩm trái cây này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị thống nhất tên gọi chung là sầu riêng DONA, thương hiệu sầu riêng DONATECHNO Durian vì đã có căn cứ và cơ sở pháp lý. 

Quyết định số 3713/QĐ/BNN-KHCN ngày 30/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công nhận giống sầu riêng DONA là giống tiến bộ kỹ thuật cần được ưu tiên khuyến khích đầu tư phát triển, Quyết định số 40/2006/QĐ-BNN ngày 22/05/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 74/2004/QĐ-BNN ngày 16/12/2004 về việc ban hành Danh mục Giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh trong đó có giống sầu riêng DONA, Xác nhận tiêu chuẩn giống cây trồng số 03/XNCLGCT ngày 17/07/2002 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Giấy công nhận cây đầu dòng Sầu riêng DONA số 2202/GCN-SNN ngày 02/8/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu sầu riêng của các nước trong đó có Việt Nam. Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được xem là bước tiến lớn cho thương mại nông sản của Việt Nam khi dự báo trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể đạt được kết quả như dự kiến khoảng trên 1 tỷ USD.

Ở thị trường trong nước, sầu riêng đang được thu mua với giá 70.000-95.000 đồng/kg. Đây được đánh giá là mức giá cao chưa từng có đối với sầu riêng của tỉnh, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân Đắk Lắk. Việc xây dựng thành công và giữ gìn thương hiệu cho sầu riêng Đắk Lắk được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hơn nữa giá trị của cây trồng chủ lực này. 

 

Bình luận của bạn