Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt: Doanh nghiệp đóng vai trò chủ thể

Việt Nam đang có hơn 200 doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo, nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn hạn chế.  

Đây là chia sẻ của ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN & PTNT) tại Hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam” diễn ra sáng (22/9), tại Hà Nội.

alt

Cấp thiết xây dựng thương hiệu cho “hạt ngọc Việt”

Mặc dù đạt được một số thành tựu nổi bật trong giai đoạn vừa qua nhưng ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Sản xuất lúa chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ. Cơ cấu giống lúa đa dạng, nhưng thiếu các giống lúa chủ lực, có chất lượng cao để hình thành những sản phẩm mũi nhọn, tiếp cận hiệu quả vào thị trường quốc tế. Thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp, gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng gạo xuất khẩu không đồng đều, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.

Theo ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối  trong bối cảnh trên thị trường quốc tế, mức độ cạnh tranh ngày càng trở lên gay gắt, ngoài đối thủ truyền thống, Việt Nam phải đối mặt với các đối thủ tiềm năng. Chính vì vậy, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam không chỉ là vấn đề về giá, chất lượng mà việc xây dựng thương hiệu, duy trì uy tín, lòng tin của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam còn là yêu cầu cấp bách và quan trọng.

Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là đề án mang tầm quốc gia đầu tiên ở Việt Nam đối với xây dựng thương hiệu nông sản, làm tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực khác. Tại Hội thảo nhiều chuyên gia đặt vấn đề: Việc xây dựng thương hiệu quốc gia dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, tuy nhiên, thương hiệu quốc gia sẽ tiếp cận như thế nào về lựa chọn sản phẩm, dựa trên cơ sở về giống, chất lượng đặc thù hay các tiêu chuẩn chất lượng chung? Đâu là những bước quan trọng để xây dựng thương hiệu quốc gia đối với các sản phẩm nông sản? Mô hình quản lý thương hiệu quốc gia như thế nào, nhà nước quản lý hay các hiệp hội ngành hàng quản lý?....

Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập, phải định hướng ngay ngành hàng nào, lĩnh vực nào Nhà nước cần đi vào hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia thay vì hỗ trợ tràn lan như trước đây. Hiện nay định hướng phát triển thương hiệu ngành đã có nhưng nằm rải rác tại nhiều bộ ngành, do các hiệp hội, tổ chức tư nhân xây dựng, phát triển thương hiệu. Ví dụ, hiện nay Bộ NN & PTNT đang xây dựng đề án phát triển thương hiệu gạo quốc gia nhưng cá tra, cá ba sa lại do Hiệp hội làm. Ông Đỗ Kim Lang đề xuất kết hợp hình thành một ủy ban nào đó trong đó có sự đại diện tham gia của cả nhà nước và DN.

Còn theo ông Lê Thanh Khiêm, Phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, tư duy pha trộn gạo là hạn chế lớn nhất trong vấn đề xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam. Xây dựng thương hiệu gạo, khâu giống đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, hệ thống đánh giá bộ tiêu chuẩn. “Để rút ngắn việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, chúng ta nên sử dụng các giống sẵn có của các doanh nghiệp họ đã làm. Trên cơ sở các giống ấy, chúng ta có thể xây dựng thương hiệu giống của quốc gia”, ông Khiêm nói.

Doanh nghiệp đóng vai trò chủ thể

Về các giải pháp để thúc đẩy việc sử dụng thương hiệu gạo trong bối cảnh sản xuất, thương mại hiện nay, ông Võ Thành Đô cho rằng Việt Nam cần xác định doanh nghiệp phải là chủ thể trong xây dựng thương hiệu, Nhà nước cần có chính sách, giải pháp cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào quá trình này.

Đồng quan điểm về vấn đề này, theo ông A.K Gupta - Giám đốc Quỹ Phát triển xuất khẩu Basmati - Cơ quan phát triển xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và lương thực chế biến (APEDA) - Bộ Công Thương Ấn Độ cho biết, để người tiêu dùng thế giới biết tới sản phẩm gạo nổi tiếng của Ấn Độ, nước này tiến hành xúc tiến trong khu vực và tại quốc gia với chính sách chung, với các nhà cung cấp đáng tin cậy có chất lượng. Ưu tiên xúc tiến thương mại và phát triển gạo đặc sản. Xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu. Việc xây dựng thương hiệu gạo ngoài vai trò của cơ quan chức năng Nhà nước, các doanh nghiệp là tổ chức sản xuất, kinh doanh có vai trò đặc biệt to lớn trong xây dựng và phát triển thương hiệu gạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, Thương hiệu quốc gia là vấn đề không mới nhưng gạo Việt Nam lại là sản phẩm nông sản đầu tiên tiếp cận theo hướng này. Đây là một chính sách quan trọng, phù hợp và cần thiết để tạo dựng hình ảnh, vị trí và thúc đẩy thương mại sản phẩm trên thị trường quốc tế. Đồng thời là cơ sở cho sự phát triển và sự bền vững cho ngành hàng để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường. Quá trình hội nhập không chỉ là sự cạnh tranh về chất lượng, giá thành của hàng hóa, mà còn cạnh tranh trên nhiều khía cạnh, trong đó có sở hữu trí tuệ. Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đồng hành cùng các Bộ, ngành liên quan, và doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam.

Theo http://baocongthuong.com.vn/

Bình luận của bạn