Xoài, chuối, thanh long... được ưa chuộng tại Nhật

Mở cửa cho nhiều loại trái cây Việt

Trong những năm qua, Nhật Bản đã rộng cửa nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Việt Nam, điển hình là các mặt hàng dệt may, thủy sản, da giày, nông, lâm, thủy sản…Vài năm gần đây cơ hội mở rộng nhiều nhóm hàng xuất khẩu đặc biệt là các sản phẩm trái cây tươi như chuối, thanh long… Những lô hàng chuối tươi xuất khẩu đầu tiên đã cập bến thị trường Nhật từ năm 2016, tạo thêm động lực mới cho các doanh nghiệp, hộ nông dân trồng chuối xuất khẩu, trước đó một số trái cây như xoài, thanh long ruột trắng đã được xuất khẩu đều đặn sang thị trường này.

Năm 2016, Công ty TNHH Huy Long An cho biết, đã có được hợp đồng xuất khẩu chuối đầu tiên với đối tác Nhật Bản, sau 6 tháng đàm phán. Hiện chuối tươi đang được bán ở các siêu thị lớn của Nhật là Don Kihote, Daiei, Aeon...

Ông Hidekatsu Ishikawa, Chủ tịch Công ty VIENT (doanh nghiệp nhập khẩu tại Nhật Bản), đánh giá cao chất lượng quả chuối Việt Nam với vị ngọt phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Nhật Bản và có mức giá cạnh tranh.

Phải luôn đảm bảo chất lượng cao nhất 

Ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Nhật Bản tuy là thị trường khó tính, nhưng có nhiều tiềm năng xuất khẩu cho Việt Nam. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa chất lượng, đánh trúng tâm lý tiêu dùng thì đây sẽ là cơ hội để phát triển xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm sản.

Với trái thanh long ruột đỏ, chỉ sau một thời gian ngắn được cấp phép, đầu tháng 3/2017, thông qua Hội chợ Quốc tế thực phẩm và đồ uống FOODEX 2017, lần đầu tiên, thanh long ruột đỏ của Việt Nam đã đến với người tiêu dùng Nhật Bản.

Như vậy, tính đến thời điểm này, ngoài những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản… Việt Nam đã xuất khẩu được xoài, chuối, thanh long ruột trắng và ruột đỏ, quả vải đông lạnh sang Nhật Bản và tới đây các mặt hàng rau quả như vải tươi, vú sữa cũng có nhiều cơ hội tại thị trường này.

Bộ Công thương cho biết, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản đứng thứ 5 của Việt Nam (chiếm 6,6%), là thị trường thứ hai về rau quả, đứng thứ ba về thủy sản.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), việc thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đang bước vào giai đoạn mới, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật Bản. Theo đó, các sản phẩm của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan nhiều nhất của Nhật Bản là các mặt hàng nông sản, thủy sản.

Trong lĩnh vực thủy sản, Nhật Bản sẽ giảm thuế từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống còn 1,31% vào năm 2019. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng tối đa cơ hội này.

“Nhật Bản là thị trường yêu cầu cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đặt nhiều rào cản kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu, do vậy các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này phải luôn đảm bảo chất lượng cao nhất”, ông Hải khuyến nghị.

Điều này cũng được đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) lưu ý, các doanh nghiệp cần để ý đến bao bì, khâu vận chuyển để trái cây không bị hư hỏng, đảm bảo hàng nông sản, trái cây tươi phải truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm thì mới đạt yêu cầu của thị trường Nhật và không lo bị trả về.

Bình luận của bạn