Xuất hàng Việt qua kênh FDI

Qua sự kiện Hãng cà phê Starbucks chọn sản phẩm cà phê Arabica (cà phê chè) trồng tại vùng Cầu Đất (Đà Lạt) để bán trong chuỗi cửa hàng chuyên bán những sản phẩm cao cấp của hãng tại Mỹ, nhiều chuyên gia nhận định đây là kết quả tốt từ những quy định ràng buộc khi mời gọi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào VN mà chúng ta cần nhân rộng.

Theo ông Đỗ Hòa - Chủ tịch Công ty tư vấn chiến lược IME, để một sản phẩm tốt của VN sớm được thị trường thế giới biết đến, thì kênh tiếp cận thị trường nhanh và hiệu quả nhất là qua chuỗi phân phối lớn trên toàn cầu. Tất nhiên lọt vào chuỗi đó là điều quá khó nhưng từ trường hợp hiếm hoi trên, doanh nghiệp (DN) Việt và nhà quản lý nên coi nó là động lực để nỗ lực nhiều hơn nữa trong cách tiếp cận, lựa chọn khéo léo để làm thương hiệu, đưa hàng Việt ra nước ngoài hiệu quả hơn.
 
alt
 
Vì sao Starbucks chọn cà phê Arabica Đà Lạt ?
 
Ông Nguyễn Quốc Minh, Tổng giám đốc Công ty cà phê chồn Trại Hầm Đà Lạt, nhận định: “Với sự kiện được “nêu danh” rõ ràng này, giá trị cà phê chè Đà Lạt chắc chắn sẽ tăng bởi giá trị thương hiệu cà phê Starbucks quá lớn và có uy tín toàn cầu một cách rõ ràng”. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng từ thành quả này, nhà nông và DN Việt cần ý thức sâu sắc về việc làm ăn đàng hoàng, giữ chất lượng sản phẩm sạch để đối tác tin tưởng và hợp tác lâu dài hơn.
 
Còn theo ông Đỗ Hòa, các DN phải đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm gắn với vùng, địa phương. “Trên đường tìm vùng nguyên liệu, Starbucks chọn cà phê Arabica Đà Lạt, thu mua và xuất khẩu sang Mỹ, đưa vào cửa tiệm của hãng tại Mỹ rồi mới công bố thông tin. Điều này có nghĩa là những chuẩn bị về pháp lý cho sản phẩm này chắc chắn họ đã làm, đơn giản nhất là đăng ký sở hữu thương hiệu”, ông Hòa nhận định và cho rằng do VN đã nhiều lần chứng kiến rất nhiều đặc sản gắn với địa phương bị đối tác nước ngoài đăng ký bảo hộ trước, nên việc tiến hành đăng ký sở hữu thương hiệu cũng là vấn đề các địa phương cần lưu ý trước khi mời gọi đầu tư nước ngoài và chào hàng đến họ.
 
Chính sách “hàng đổi hàng”
 
Để tạo hiệu ứng “lan tỏa” cho sản phẩm Việt, một chuyên gia chuyên tư vấn đưa sản phẩm của nhiều DN châu Á vào thị trường Mỹ nhận định những ràng buộc khi cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ là lực đẩy cho hàng Việt được tiếp cận thị trường thế giới nhanh hơn. Chẳng hạn, theo lộ trình thời gian và tỷ lệ nội địa hóa, nhà đầu tư ngoại phải sử dụng nhà cung cấp, nguyên liệu từ VN bao nhiêu phần trăm, sau bao lâu… nếu được áp dụng một cách chặt chẽ, xuyên suốt, chắc chắn hàng hóa mang thương hiệu VN sẽ được thị trường thế giới biết đến nhanh và nhiều hơn.
 
“Từ những chính sách ràng buộc chặt chẽ đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nỗ lực đi tìm vùng nguyên liệu, nhà cung cấp, trước mắt là cung cấp cho chuỗi cửa hàng của hãng ngay tại thị trường VN theo cam kết. Sau đó, khi đã phát hiện sản phẩm ngon, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế, không nhà kinh doanh nào bỏ qua. Họ sẽ tiến hành đưa sản phẩm vào hệ thống toàn cầu và hàng Việt sẽ có cơ hội đi ra nhiều hơn”, chuyên gia tư vấn chiến lược phân tích.
 
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Robenny (Canada) - phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, cho rằng VN nên học Myanmar trong cách thu hút đầu tư FDI bằng chính sách “hàng đổi hàng”, vốn thừa hưởng từ luật đầu tư của Anh. Có nghĩa là nhà đầu tư FDI đưa hàng hóa vào đất nước này với giá trị 100 đồng, phải mua sản phẩm tại đất nước này với giá trị tương đương để xuất đi hoặc tiêu thụ. Chẳng hạn, người Myanmar hiện tiêu thụ sản phẩm thịt gà duy nhất được nuôi và sản xuất trong nước từ các tập đoàn nước ngoài như CP của Thái Lan để phát triển chăn nuôi, nhưng đổi lại thì CP (hoặc các tập đoàn nước ngoài đang sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại đất nước này) phải mua nguyên liệu tại chỗ do DN Myanmar cung cấp.
 
Ông Robert Trần bổ sung: “Lâu nay, các nhà đầu tư vào VN, đi kèm là đội ngũ các nhà cung cấp hùng hậu đưa từ nước ngoài vào theo, khiến đồng tiền của khối này chỉ có “chạy lòng vòng” trong khối FDI, không “lọt” ra và ở lại VN như mong muốn của chúng ta. Nếu có, cũng quá ít theo “cửa” gia công làm thuê. VN nên kiểm soát chặt chẽ chính sách tương tự “hàng đổi hàng” trong thu hút FDI, hiệu quả sẽ khác”.
 
Theo báo Thanh Niên
Bình luận của bạn