Xuất khẩu đầu năm, nhiều tín hiệu vui

Ngày càng xuất hiện nhiều rào cản đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ, EU... Sự cạnh tranh xuất hàng vào các thị trường này cũng gay gắt hơn, song ngay từ đầu năm Đinh Dậu, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã ký được các đơn hàng với giá trị xuất khẩu cao hơn mọi năm. Đây là những tín hiệu rất vui đầu năm mới.

Thị trường châu Âu, Nhật Bản, Mỹ thích hàng Việt

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn Nam, cho biết ngay sau tết, toàn công ty sẽ tăng tốc để làm hàng xuất khẩu. Năm nay, Công ty Thái Sơn Nam đã ký được đơn hàng bao bì nhựa xuất khẩu vào thị trường EU trị giá 17 triệu USD, cao hơn năm 2016. Nhiều hợp đồng khác đang đàm phán, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đột phá trong 6 tháng cao điểm cuối năm. Riêng thị trường Nhật Bản, tổng giá trị đơn hàng xuất năm 2017 đạt khoảng 5 triệu USD, tăng gần 40% so với năm 2016.

Cũng trong tâm trạng hân hoan đầu năm mới, ông Lê Quang Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn, cho biết, kế hoạch năm 2017 là tăng tổng doanh thu lên 2.000 tỷ đồng. Đây cũng là cơ sở để nâng mức tổng doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng vào năm 2018. Ngay từ đầu năm 2017, công ty đã đẩy mạnh tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và bước đầu gặt hái những kết quả rất đáng ghi nhận. Chỉ tính riêng tháng 1-2017, công ty đã xuất khẩu đơn hàng trị giá gần 6 tỷ USD. Tháng 2 tới, May Sài Gòn sẽ xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD.

Ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh: “Thời điểm tháng 1, tháng 2 là những tháng thấp điểm xuất khẩu của hàng dệt may. Cao điểm xuất khẩu hàng dệt may thường rơi vào sáu tháng cuối năm. Nhưng năm nay, với những tín hiệu tích cực từ đơn hàng xuất khẩu đầu năm, cho thấy diễn biến thị trường có những thuận lợi nhất định. Hiện châu Âu và Mỹ vẫn là thị trường chính của DN dệt may Việt Nam”.

Sản xuất bao bì xuất khẩu tại Công ty Thái Sơn Nam. Ảnh: CAO THĂNG

Với lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, ngay trong những ngày đầu năm mới, Vinamilk đã ký hợp đồng hợp tác với đối tác chiến lược Bigbiz, đẩy mạnh phân phối các sản phẩm sữa Việt Nam tại thị trường Bangladesh ngay đầu năm 2017. Hiện Bangladesh, quốc gia đang phát triển nằm ở Nam Á tiếp giáp Ấn Độ, dân số trẻ gần 170 triệu người, được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng cho ngành hàng dinh dưỡng như sữa và các sản phẩm từ sữa.

Tìm cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt

Cơ hội mà các DN Việt Nam gặt hái được, trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến khó dự đoán như hiện nay, là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, thêu đan TPHCM, cho rằng DN Việt cần có những tính toán cẩn thận hơn cho những bước đi sắp tới, đặc biệt, đối với ngành dệt may.

Ông Hồng phân tích: “Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam những năm qua tăng nhanh khoảng 10%/năm. Thế nhưng, nhìn vào cơ cấu xuất khẩu thì 70% thuộc về DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 30% còn lại là của DN nội. Tỷ trọng này đang có xu hướng lệch dần qua DN FDI vì họ có lợi thế sản xuất khép kín từ dệt sợi đến thành phẩm. Việc triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gặp trở ngại cũng có mặt có lợi, đó là khả năng cạnh tranh của hàng Việt với hàng các DN FDI vào thị trường Mỹ sẽ giữ được tỷ lệ cơ cấu hiện tại, hoặc có thể tăng hơn do DN FDI hạn chế đầu tư tại Việt Nam. Mặt khác, tại thị trường Mỹ, những chính sách thuế của Mỹ đang đánh mạnh vào sản phẩm may mặc nhập khẩu từ DN Trung Quốc, sẽ tạo thêm nhiều lợi thế cho DN Việt Nam chen chân mạnh vào thị trường này trong thời gian tới". 

Riêng ngành nhựa, các DN nội cần tận dụng tốt tâm lý các DN Nhật Bản đang có xu hướng nhập khẩu sản phẩm sản xuất từ Việt Nam thay cho sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trần Việt Anh cho biết thêm, sở dĩ công ty đạt giá trị đơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản tăng gần 40% là xuất phát từ tâm lý này. Do đó, DN nội cần tăng cường nội lực, cải thiện công nghệ sản xuất để đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của Nhật Bản, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang nước này và những thị trường mới khác. 

Không dừng lại những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, những khu vực mới như thị trường Á - Âu cũng đang là tâm điểm thu hút quan tâm của nhiều DN nội. Đây là thị trường lớn với hơn 170 triệu dân. Hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này có khả năng cạnh tranh cao do được hưởng mức thuế ưu đãi với hơn 90% dòng thuế về 0%.

Đại diện Ngân hàng BIDV cho biết, hiện nút thắt lớn nhất của các DN khi xuất khẩu hàng hóa qua thị trường này là cần có kênh thanh toán an toàn. Do vậy, BIDV đã phối hợp một ngân hàng của Nga để thành lập kênh thanh toán trực tiếp giữa Việt Nam và Nga. Ngoài ra, Chính phủ Nga đang nỗ lực cải thiện hệ thống chính sách, pháp luật và quy định để minh bạch hơn thủ tục và hoạt động xuất nhập khẩu tại nước này, từng bước tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN nói chung tham gia vào thị trường này. 

Có thể nói, những diễn biến bất ổn tại thị trường châu Âu như sự kiện Brexit ở Anh, tình hình bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ và thị trường tài chính tại Italia, những thay đổi trong hệ thống chính quyền tại Mỹ... sẽ có những tác động không nhỏ đến hiệu quả xuất nhập khẩu của hàng Việt. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều DN, nếu tận dụng tốt những thế mạnh của hàng Việt và chủ động khai thác những thị trường mới mà Việt Nam đang là thành viên các hiệp định thương mại tự do, năm 2017 hứa hẹn là năm sẽ có những đột phá trong hoạt động xuất nhập khẩu.

 

Bình luận của bạn