Xuất khẩu gạo Việt: Hết thời cạnh tranh giá rẻ

Việc thắng thua trong xuất khẩu gạo không phải vấn đề lớn, số lượng gạo của Campuchia và Lào vẫn còn khiêm tốn vì vậy chất lượng gạo của họ cao hơn đương nhiên sẽ có lợi thế cạnh tranh, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cho biết.

Xuất khẩu gạo Việt: Hết thời cạnh tranh giá rẻ

Thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là Trung Quốc.

Việt Nam đã từng chiếm tới 65% thị phần nhập khẩu gạo của Trung Quốc nhưng từ năm 2014 đến nay con số này đã giảm chỉ còn trên dưới 50%. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền trưởng Bộ môn thị trường và ngành hàng (Ipsard) các nước "thế chân" Việt Nam tại thị trường này là Thái Lan, Campuchia và Paskintan.

Theo ông Kiên, ưu thế giá rẻ đã không giúp mặt hàng gạo cạnh tranh tốt tại thị trường Trung Quốc khi giá gạo 25% và 5% tấm của Việt Nam gần đây đã xấp xỉ so với giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ ở vùng thấp.

Việc Trung Quốc hạn chế thu mua gạo Việt là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam sụt giảm mạnh trong thời gian vừa qua.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 8 vừa qua xuất khẩu gạo chỉ đạt 505 tấn, đạt 228 triệu USD trong khi hồi tháng 7 xuất khẩu gạo từng đạt 700 tấn với giá trị 239 triệu USD, giảm 28% về lượng và 5% về kim ngạch.

Cũng theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp tính đến hết tháng 7/2015 Trung Quốc là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm tới 35% thị phần, đứng thứ 2 là Philippines với 16%, Malaysia 9%.

Theo ông Trần Đình Long, lý do xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh do xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chủ yếu là gạo có chất lượng thương phẩm thấp, xuất theo con đường tiểu ngạch không chính thống vì vậy hầu hết phụ thuộ vào các doanh nghiệp Trung Quốc.

"Giá cá phụ thuộc vào người mua, ta không chủ động được giá bán vì cung vượt cầu", ông Long nói.

Bên cạnh đó, theo ông Long, các doanh nghiệp Việt chưa đủ điều kiện về nguồn lực như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kho bãi… thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao trong thương mại vì vậy không tự quyết và điều khiển được giá xuất khẩu gạo đặc biệt lượng gạo với chất lượng và giá thấp lại chiếm đa số.

Do đó, ông Long cho rằng để khắc phục các yếu điểm trên trước hết phải tổ chức lại khâu sản xuất, quy hoạch vùng và chủng loại giống để nâng cao tỷ lệ giống lúa có chất lượng cao giá trị từ 600 USD/tấn trở lên.

Đồng thời, phải có đủ kho tàng để dự trữ gạo, chủ động và điều khiển giá theo các hợp đồng chính ngạch, cương quyết không chạy theo số lượng, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau để chủ động giá theo hợp đồng.

Bình luận về sức ép từ một số thị trường xuất khẩu gạo mới nổi trong đó có Campuchia, ông Long cho biết, việc thắng thua trong xuất khẩu gạo không phải là vấn đề lớn vì cơ chế thị trường là bình đẳng, nếu cạnh tranh bình đẳng các nước có quyền như nhau.

"Thực ra số lượng gạo của Campuchia và Lào vẫn còn khiêm tốn, vì vậy chất lượng gạo của họ cao hơn, đương nhiên sẽ có lợi thế cạnh tranh", ông Long phân tích.

 

alt
Ông Trần Đình Long (bên trái), ông Võ Thành Đô (bên phải) 

Cũng theo vị chuyên gia này, Việt Nam cùng lúc lại chạy theo số lượng lớn, từ khâu sản xuất, chế biến, thương mại đều yếu kém. Không điều khiển được cơ cấu giống chất lượng cao, sản xuất theo kiểu mạnh ai người ấy làm, loại trừ một số doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm, nhưng số lượng gạo chất lượng cao còn quá nhỏ.

Đồng quan điểm, tại cuộc hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam diễn ra vào hôm qua (22/9), ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối cũng cho biết, thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp.

Gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng gạo xuất khẩu chưa đồng đều, mức độ tham gia vào chuối giá trị toàn cầu còn yếu.

"Hiện Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn hạn chế", ông Đô nhận xét.

Cũng theo ông Đô, sản xuất lúa của Việt Nam hiện nay chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ, hơn 85% số hộ gia đình có quy mô dưới 0,5ha/hộ.

Trong khi đó, hoạt động về tổ chức sản xuất như Hợp tác xã, tổ nhóm, sản xuất theo hợp đồng còn hạn chế dẫn đến những khó khăn về quản lý chất lượng, hiệu quả sản xuất của người nông dân thấp.

Theo bizlive.vn

Bình luận của bạn