Xuất khẩu rau quả thu "tỷ đô" vẫn tiếc nuối
Luôn đạt những mức cao kỷ lục mới, xuất khẩu rau quả đã trở thành điểm sáng trong các mặt hàng nông sản khi có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn không khỏi tiếc nuối khi nhìn ra thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng.
Thanh long là một trong 9 loại cây trồng chủ lực của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN
|
Từ con số vài trăm triệu USD/năm, rau quả nhanh chóng trở thành mặt hàng “tỷ đô” rồi vượt xa các ngành hàng chủ lực khác như: gạo, cao su, chè, hạt điều...
Lần đầu tiên rau quả vượt mốc 1 tỷ USD là năm 2013. Với tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức hai con số và đặc biệt năm nay có tốc tăng trưởng kỷ lục trên 40%, rau quả tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt trên 3,5 tỷ USD.
Nhiều thị trường khó tính đã mở cửa cho các mặt hàng trái cây chủ lực của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…
Phải đi lên sản xuất lớn
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, năm 2018 các mặt hàng rau quả mà Việt Nam có thế mạnh cần tiếp tục mở cửa vào các thị trường mới. Nhưng để xuất khẩu bền vững thì phải nhanh chóng đi lên sản xuất lớn. Những hộ cá thể phải tham gia vào hợp tác xã. Trên nền tảng hợp tác xã có thể dễ dàng cải thiện về chất lượng, đồng nhất về sản phẩm và quan trọng nhất đó là đảm bảo an toàn thực phẩm, để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường thế giới.
Đặc biệt là chúng ta phải phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi từ cung cấp giống cây, canh tác, thu mua, chế biến đến xuất khẩu, nhất là đối với sản phẩm trái cây xuất khẩu thị trường khó tính. Trái cây của ta muốn xuất sang các thị trường khó tính đòi hỏi phải đồng nhất, ổn định và đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nam cũng nhận định, cái khó hiện nay là mở rộng vùng sản xuất, do đó cần đẩy mạnh vấn đề liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp với hợp tác xã. Chính hợp tác xã là hình thức tập trung đất đai, tập trung liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp. Cùng với đó cũng phải triển khai được các cơ chế chính sách, đảm bảo vùng trồng chất lượng, an toàn, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt, sản lượng trái cây qua các năm đều tăng, nhưng đầu ra sản phẩm khó khăn. Trong khi nhu cầu của thị trường về trái cây tươi và trái cây chế biến vẫn rất cao. Do đó, cần tập trung phát triển chế biến để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Sau khi nhãn được xuất khẩu sang Mỹ, xoài xanh sang Australia, mới đây, sản phẩm chanh leo của Sơn La đã được xuất khẩu sang châu Âu với chứng chỉ Global GAP.
“Nếu không có nhà máy, người dân sản xuất sẽ không yên tâm do bị thương lái ép giá, giá cả bấp bênh và sẽ không bền vững. Khi đã có nhà máy, có thể vừa xuất khẩu sản phẩm tươi, vừa cho chế biến”, ông Cầm Ngọc Minh đánh giá.
Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hưng Việt (Hải Dương) cho biết, ngoài xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng lớn về xuất khẩu rau, củ, quả sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…. Xuất khẩu với sản lượng lớn, đôi khi doanh nghiệp còn không đáp ứng kịp. Chất lượng rau, củ, quả của Việt Nam xuất sang các nước được đánh giá rất tốt.