Xuất khẩu Vĩnh Long - nhìn từ tiềm năng rau quả

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước được ghi nhận “bất ngờ” khi đã vượt qua mặt hàng gạo với giá trị cả năm đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Trong đó, trái cây chiếm vị trí chủ lực với trên 70%. Dự báo cho năm mới đầy khả quan bởi thị trường khi trái cây từng bước chinh phục nhiều nước nhập khẩu “khó tính”.

Để trái cây Vĩnh Long rộng đường vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Để trái cây Vĩnh Long rộng đường vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, rau quả Vĩnh Long sẽ trở thành một nhân tố mới đầy tiềm năng cho xuất khẩu?

Xuất khẩu năm 2016 của tỉnh vượt kế hoạch. Theo đánh giá, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực (như gạo, thủy sản), thủ công mỹ nghệ để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Chủ yếu, xuất khẩu tăng ở các nhóm hàng hóa do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tự sản xuất. Một số mặt hàng xuất khẩu thuận lợi như giày da, túi xách, vali, rau quả đông lạnh... nhờ chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế và linh hoạt tiếp cận thị trường.

Theo ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, xuất khẩu của tỉnh tăng thời gian qua chủ yếu nhờ các doanh nghiệp FDI, trong khi nguồn nội lực còn nhiều nhưng chưa tận dụng, phát huy hết…

Sắp tới, cần có giải pháp hướng tới phát huy sức mạnh nội lực, tận dụng thế mạnh nông sản địa phương… để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Trong khi đó, nhìn vào bức tranh chung, có thể thấy, từ năm 2000 trở lại đây, tiềm năng kinh tế vườn của ĐBSCL được phát huy.

Việc canh tác cây ăn trái được áp dụng khoa học, kỹ thuật. Nhờ vậy, sản lượng, chất lượng trái tăng lên, hình thành một số vùng chuyên canh trái cây đặc sản hàng hóa tập trung: xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang và TP Cần Thơ; xoài Cát Chu ở Đồng Tháp; bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng; bưởi da xanh ở Bến Tre...

Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, Việt Nam đã tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường “khó tính” như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand.

Có thể nói, chưa bao giờ trái cây miệt vườn sông nước Cửu Long có tiếng vang và được thị trường chú ý như năm vừa qua.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, ngoài bưởi, nhãn thì thanh long, chôm chôm, vú sữa cũng đã vào được thị trường Mỹ với số lượng tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng trái nhãn, chỉ tính tại thị trường Hoa Kỳ, đã có sự tăng trưởng vượt bậc với hơn 750 tấn, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Tại Vĩnh Long, trái bưởi Năm Roi từ lâu đã nức tiếng khắp xa gần. TX Bình Minh hiện có trên 1.900ha bưởi Năm Roi, tập trung chủ yếu ở các xã Mỹ Hòa, Đông Thành và Thuận An, cung cấp cho thị trường hàng năm trên 23.700 tấn, năng suất bình quân 30 tấn/ha. Năm 2016, nông dân trồng bưởi Năm Roi Mỹ Hòa hân hoan khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy phép chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Từ nay, duy nhất chỉ có bưởi Năm Roi được trồng ở TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long là được dùng tên “Bưởi Năm Roi Bình Minh”. Để có được điều này là một chặng đường dài, rất nhiều dự án hỗ trợ đầu tư của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực như: nâng cao năng suất, phòng trừ dịch bệnh, nâng cao giá trị, chất lượng,…

Từ năm 2009 đến nay, diện tích bưởi được chứng nhận GlobalGAP và VietGAP liên tục tăng, hiệu quả kinh tế mang lại khả quan hơn.

Theo Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, thực hiện đề án “Phát triển kinh tế vườn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2012- 2015”, từ năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Công ty Aquafish cấp giấy GlobalGAP cho Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa.

Năm 2014, 2015, tiếp tục hỗ trợ cho Công ty Hương Bưởi và Tổ hợp tác ấp Mỹ Thới (xã Mỹ Hòa). “Hiện nay, bên cạnh các thương lái thu mua cung ứng cho thị trường trong nước thì đã có công ty Việt Nam và nước ngoài mua bưởi Năm Roi xuất khẩu. Wildboi (bưởi hoang dại) là tên thương hiệu đầu tiên của đặc sản bưởi Năm Roi Việt Nam và được đăng ký bản quyền toàn cầu.

Cái tên Wildboi đã có mặt trong các siêu thị lớn tại Hà Lan, Nga, Hong Kong, Philippines,…”- ông Nguyễn Văn Liêm cho biết.

Đầu tư cho chất lượng, chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm…
Đầu tư cho chất lượng, chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm…

Nhãn cũng là một trong những loại cây ăn trái có diện tích lớn, sản lượng nhiều của tỉnh. Ông Trần Huy Việt Hùng- Tổ trưởng Tổ hợp tác Nhãn xuồng cơm vàng xã cù lao An Bình (Long Hồ) cho biết, tổ hợp tác có 12ha (22 hộ), quy trình đạt chuẩn VietGAP, sản lượng cung ứng 120- 140 tấn/năm. Mùa nhãn vừa qua, giá tốt, có đầu ra nên bà con phấn khởi.

Đánh giá về khả năng xuất khẩu rau quả Vĩnh Long, TS. Nguyễn Hữu Đạt- Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho rằng, tuy có năng suất, sản lượng đạt cao nhưng chất lượng chưa đồng đều, mẫu mã chưa đạt yêu cầu.

Tỉnh cần phải làm tốt vấn đề an toàn thực phẩm, rau quả cần được sản xuất theo những mô hình hợp tác xã kiểu mới. Điều này không chỉ liên kết để sản xuất hàng hóa lớn mà khi hợp tác xã liên kết với siêu thị, doanh nghiệp sẽ hình thành những chuỗi giá trị tiêu thụ rau quả trong nước và xuất khẩu.

ĐBSCL hiện có trên 288.000ha cây ăn trái, cho sản lượng mỗi năm trên 3,18 triệu tấn. Các loại trái cây chủ lực, gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, cam và quýt, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp và Hậu Giang.

Trong bức tranh chung với những dự báo đầy khả quan cho thị trường rau quả cả nước, tin rằng, với tiềm năng và lợi thế sẵn cùng với việc cải tiến chất lượng, chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm… rau quả Vĩnh Long sẽ nắm bắt cơ hội, rộng đường ra thế giới.

Vĩnh Long có nhà máy đóng hộp rau, củ, quả

Đầu năm 2016, Nhà máy đóng hộp rau, củ, quả Sông Hậu theo tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ hiện đại của Mỹ và Hàn Quốc đã được khởi công tại phường Đông Thuận (TX Bình Minh). Sau khi đưa vào hoạt động, nhà mày đóng lon trái cây, rau, củ, quả; đóng hộp nước trái cây… tạo ra những sản phẩm ngon, lành- điều mà thế giới đang rất cần.

Bình luận của bạn