Xuất ngoại… tre xanh
Với người Việt, hình ảnh lũy tre xanh có lẽ đã không còn xa lạ, tre đi vào văn thơ, tre gắn bó với từng chi tiết nhỏ của đời sống người dân nông thôn, tre giúp nhiều làng nghề tồn tại. Làm thế nào để khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn trong những thân tre óng ả, mang về ngoại tệ cho đất nước mà vẫn đảm bảo các yêu cầu của thị trường nhập khẩu đang là những vấn đề đặt ra.
Quyết định sự sống còn của nhiều làng nghề
Theo báo cáo của Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NNPTNT), Việt Nam có khoảng 216 loài tre trúc với diện tích hơn 1,39 triệu hecta, trữ lượng ước tính 7,5 tỷ cây. Trong số 63 tỉnh thành trong cả nước, có tới 37 địa phương có diện tích trồng tre, nứa tập trung, song chỉ có 23 tỉnh đạt diện tích trên 10.000ha. Thanh Hóa, Nghệ An là hai tỉnh có diện tích tre nứa tương đối lớn, 110.000ha và 217.000ha.
Tre nứa là nguồn nguyên liệu quan trọng, ảnh hưởng đến sự sống còn của nhiều làng nghề truyền thống. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay có hơn 723 làng nghề sản xuất liên quan đến các sản phẩm từ cây tre, tạo công ăn việc làm cho hơn nửa triệu lao động, mang lại giá trị sản xuất và tiềm năng xuất khẩu hàng hóa lớn và kim ngạch xuất khẩu khoảng 350 triệu USD/năm. Chỉ riêng tại trị trường Ấn Độ, 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sản phẩm mây tre, cói thảm đã tăng 1.549% so với cùng kỳ.
Theo Tiến sỹ Đoàn Văn Thu, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hiện sản phẩm từ cây tre Việt Nam đang có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhất là các nước thuọc Liên minh Châu Âu. Bên cạnh đó, cây tre còn đóng góp tích cực trong việc hấp thu cacbon, chống xói mòn đất, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu các tác nhân biến đổi khí hậu. Ngoài ra, phần quan trọng trong việc giảm thiểu các tác nhân biến đổi khí hậu.
“Đáng nói là, rừng mây tre chủ yếu phân bố ở các vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn. Đối tượng liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất trong chuỗi giá trị tre chủ yếu là người sản xuất quy mô nhỏ thuộc diện nghèo, và các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ. Do đó, việc phát triển ngành tre không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, mà còn góp phần bảo vệ môi trường,” Tiến sỹ Đoàn Văn Thu nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số chính sách có liên quan đến phát triển cây tre, điển hình là Quyết định số 11/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/2/2011 về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre. Tuy nhiên, ngành sản xuất sản phẩm từ cây tre của Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều thách thức, trong đó có các thách thức liên quan đến rào cản kỹ thuật, thách thức về phương thức kinh doanh tập thể và cải thiện hiệu quả kinh doanh, thách thức về khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận tài chính và quản trị trong chuỗi giá trị của người sản xuất quy mô nhỏ, của các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh quy mô vừa và nhỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nam Sơn, đại diện Tổng Cục Lâm nghiệp cho hay, Việt Nam được xác định nằm ở trung tâm vùng phân bố mây tre của thế giới với thành phần loài rất phong phú và đa dạng với khoảng 250 loài tre nứa, 46 loài mây song.
Song ông Sơn cũng thừa nhận, hiện vẫn còn nhiều khó khăn do chưa hình thành được các vùng nguyên liệu, chưa có một chiến lược, quy hoạch phát triển ngành mây tre nên việc phát triển còn tự phát, nhất là các nhà máy chế biến, nhiều nhà máy chế biến mới được xây dựng với thiết bị và công nghệ lạc hậu.
Xây dựng chuỗi giá trị bền vững
Với những tiềm năng thế mạnh trên, xây dựng và phát triển ngành mây tre hình thành theo chuỗi đang là một xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng chinh phục các thị trường “khó tính” trên thế giới.
Theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam: “Thu nhập của những người sản xuất quy mô nhỏ sẽ được cải thiện khi sản phẩm của họ đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng và sản xuất bền vững, năng lực đàm phán của họ với các công ty chế biến và thương mại được nâng cao, từ đó tiếp cận hiệu quả hơn tới thị trường trong nước và quốc tế”.
Tiến sỹ Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ cũng khẳng định: “Muốn nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm từ tre nứa, chúng ta phải tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn bền vững trong chuỗi sản xuất các sản phẩm này. Các thị trường quốc tế có đòi hỏi cao; đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội vì khi chúng ta đáp ứng được những tiêu chuẩn đó, người sản xuất và doanh nghiệp chế biến không những tăng được thu nhập mà còn giúp đóng góp vào việc khai thác vùng nguyên liệu theo hướng bền vững và đóng góp cho an sinh xã hội”.
Hầu hết các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Mỹ đều có quy định về nhập khẩu sản phẩm từ mây, tre đan và thủ công mỹ nghệ, trong đó đặc biệt là các quy định lên quan đến bảo vệ môi trường. Theo đó các nước sẽ kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, kiểm soát các loại côn trùng gây bệnh, lây nhiễm trong sản phẩm (nhất là không hun, sấy đúng quy trình, kỹ thuật). Vì vậy, các doanh nghiệp khi xuất khẩu cần chú ý điều này để đạt hiệu quả cao nhất.