Xúc tiến đưa hàng Việt sang thị trường Nga
Với dân số trên 143 triệu người, trong đó tầng lớp trung lưu ngày phát triển, Liên bang Nga được đánh giá là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho hàng Việt. Đặc biệt, cộng đồng hơn 100.000 người Việt sống tại Nga sẽ là cầu nối tốt cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam ở đây.
Nhu cầu tiêu dùng lớn
Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 17.000 USD/năm, trong đó tầng lớp trung lưu ngày một tăng (chiếm từ 10% - 25%), Nga được đánh giá đầy tiềm năng cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực năm 2016, mức thuế quan xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm về 0% đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt vào Nga. Thị trường Nga hiện có nhu cầu tiêu thụ rất nhiều sản phẩm từ dệt may, da giày cho tới hàng nông sản... Với hàng nông - thủy sản, người Nga tiêu thụ tương đối nhiều sản phẩm cá tra, tôm.
Ông Dmirtriy Makarov, đại diện Cơ quan Thương mại Nga, Chi nhánh TPHCM, chia sẻ người Nga rất thích xoài và nước này đã nhập khẩu trái cây tăng vọt trong năm 2018. Tuy nhiên, nếu so sánh với các loại xoài mà Nga đang nhập từ các nước khác thì xoài Việt Nam thơm ngon hơn nhiều. Vì thế các nhà sản xuất, công ty của Việt Nam nên tăng cường xuất khẩu xoài vào Nga.
Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, nhiều DN cũng đánh giá Nga là thị trường rất tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa. Bản thân các công ty cũng đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường này.
Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Công ty Đồ hộp Minh Phát, cho biết: “Công ty đã nhiều lần tham gia hội chợ bên Nga nhằm tìm kiếm đối tác để xuất khẩu mặt hàng cá ngừ đóng hộp sang thị trường Nga. Sản phẩm của Minh Phát hiện chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và chúng tôi đang muốn mở rộng thị trường sang Nga.
Theo đánh giá, với hơn 140 triệu dân, Nga là thị trường lớn nhưng vẫn chưa có sự tham gia nhiều của các DN chế biến sản phẩm cá ngừ đóng hộp. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng thị trường Nga sẽ trở thành một thị trường lớn đối với công ty”. Đại diện Công ty Sản xuất và xuất khẩu nông sản Dakao Vietnam, cũng cho hay thị trường Nga là thị trường mới trong ngành sản xuất, chế biến hạt điều. Trước đây, các DN Việt chủ yếu tập trung bán sản phẩm tại Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông. Hiện nay, Dakao đang quan tâm tới việc mở rộng thị trường và rất hy vọng thị trường Nga sẽ trở thành một trong những thị trường lớn đối với công ty.
Liên kết tạo chuỗi giá trị
Trong số các ngành xuất khẩu sang Nga, may mặc và da giày là 2 ngành chủ lực của công nghiệp nhẹ Việt Nam và cũng là chủ lực xuất khẩu sang Nga. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này cũng tồn tại không ít khó khăn và trở ngại. Kinh doanh trên thị trường Nga nói riêng và Bắc Âu nói chung, đòi hỏi sự nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để xác định rõ tiềm năng và mong muốn của đối tác, thường xuyên liên lạc với đối tác để gắn kết lâu dài. Các DN Việt Nam đang có ý định hoặc kế hoạch xúc tiến đầu tư vào thị trường Nga trong thời gian tới, cần xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường, xây dựng nguồn nhân lực tại nước bạn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo rằng, muốn hàng hóa có chỗ đứng tại thị trường Nga, trước tiên sản phẩm phải đảm bảo tiêu chí sạch. Các DN xuất khẩu nông sản cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ, lâu dài với các hộ sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị nông sản và chia sẻ trách nhiệm, lợi ích. Kịp thời cập nhật và tận dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Tích cực tham gia các hiệp hội, ngành hàng để tạo vị thế cho sản phẩm nông sản trên thị trường Nga; để từ đó mở rộng hoạt động quảng bá các mặt hàng nông sản, liên kết với cộng động người Việt ở Nga để mở rộng đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngoài ra, DN Việt còn phải luôn cải tiến về bao bì, mẫu mã, thiết kế tem, thay đổi ngôn ngữ sao cho khách hàng tại thị trường này có thể nắm bắt được thông tin đầy đủ về sản phẩm.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, để tăng cường xuất khẩu vào thị trường Nga, điều kiện đầu tiên là DN Việt cần bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa tốt trong dài hạn và khi giao dịch nên lưu ý tới thanh toán. Để đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nga lên 10 tỷ USD vào năm 2020, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ DN, ngành hàng, tăng cường thúc đẩy, tận dụng tốt hơn nữa lợi thế mà các FTA mang lại; đồng thời dự báo những rào cản thương mại có thể xuất hiện để thông tin cho các DN, giúp họ có hướng tiếp cận hiệu quả hơn.