Xúc tiến thương mại vải thiều

Vải được mùa, sạch bệnh

Ngày 9/4, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã đi thăm, đánh giá năng suất một số loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh Bắc Giang (gồm vải thiều, nhãn, bưởi, cam...). Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương khơi thông, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều cả trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm vùng vải thiều Lục Ngạn

Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Năm nay tỷ lệ ra hoa của cây vải đạt khoảng 95% (gần gấp đôi so với năm 2017). Các địa phương ngoại tỉnh đã chuyển hơn 100.000 đàn ong đến vùng Lục Ngạn để khai thác mật. Bởi vậy càng làm gia tăng hiệu quả thụ phấn. Tổng sản lượng vải trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt khoảng 180.000 tấn.

Tại huyện Lục Ngạn, nhiều nông dân rất phấn khởi khi những vườn vải sai trĩu quả. 18 mã số vườn được Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ cấp cho 394 hộ sản xuất vải thiều vào thị trường Mỹ tiếp tục được duy trì tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Mộc, Biên Sơn, Tân Quang, Tân Sơn và Kiên Lao với diện tích 218ha. Đồng thời, đây là năm thứ 2 huyện Lục Ngạn thực hiện cấp giấy chứng nhận sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP (3.442 hộ được cấp) với diện tích hơn 1.700ha.

Ông Phạm Văn Tư - chủ vườn vải rộng hơn 1ha tại thôn Ngọt, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, chia sẻ: “Nếu không xảy ra xáo trộn thời tiết đặc biệt, chắc chắn vụ vải năm nay sẽ thắng lớn. Sản lượng vườn vải của gia đình tôi ước đạt khoảng 15 tấn. Tuy nhiên, chúng tôi lo nhất là tình trạng được mùa mất giá sẽ tái diễn”.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: Để tăng cường liên kết, hỗ trợ nhân dân trong tiêu thụ vải thiều, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn thành lập 5 hợp tác xã; 374 tổ liên kết hợp tác với 2.700 thành viên; thành lập 30 chi hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều tại 30 xã, thị trấn.

Vấn đề truy xuất nguồn gốc

Theo thông tin từ Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công thương), từ ngày 1/4, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm. Điều này có nghĩa là, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hoa quả sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ phải cung cấp thêm một số thông tin, bao gồm: tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Đồng thời, phải có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để kiểm tra bất cứ lúc nào.

Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết: “Đây là vấn đề cần chú ý. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các sở KH-CN, NN-PTNT; UBND huyện Lục Ngạn, Tân Yên và các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc để tìm giải pháp chuẩn bị, thích ứng với yêu cầu phía Quảng Tây (nếu các quy định trên được triển khai trên thực tiễn)... Tuy nhiên, để có thông tin chính thống, rất mong Bộ NN-PTNT cử phái đoàn sang nước bạn trực tiếp trao đổi làm rõ vấn đề này. Nếu được, cách tốt nhất là đề nghị tỉnh Quảng Tây lùi lại thời gian triển khai các quy định về truy xuất nguồn gốc.

Về vấn đề này, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết: Hiện tại, các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn thông quan bình thường sang tỉnh Quảng Tây mà không gặp trở ngại gì về các quy định truy xuất nguồn gốc xuất xứ; kiểm dịch thực vật. Bộ NN-PTNT đã có công hàm đề nghị các cơ quan liên quan tại tỉnh Quảng Tây để làm việc rõ. Trong đó, nội dung được ưu tiên lớn nhất là đề nghị tỉnh Quảng Tây lùi thời gian triển khai các nội dung liên quan đến truy xuất nguồn gốc của các mặt hàng rau, hoa quả của Việt Nam. Bởi theo thông báo chính thống mang tính chất quốc gia từ phía Trung Quốc, phải đến tháng 10/2019, nước bạn mới chính thức áp dụng những quy định trên với nông sản của Việt Nam.

Năm nay, tỉnh Bắc Giang dự kiến tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sớm hơn mọi năm (trước khi thu hoạch vải). Ngoài tổ chức hội nghị (hoặc tuần lễ vải thiều) tại các thị trường chiến lược là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (và năm nay có thêm TP Đà Nẵng), tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức hội nghị tại chỗ, trong đó mời các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản, nhà quản lý tại hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây sang tham dự. Hiện nay, các hệ thống siêu thị lớn như BigC và Co.op mart... cũng rất quan tâm đến sản phẩm vải thiều Lục Ngạn và sẽ sớm ký kết bao tiêu sản phẩm của địa phương.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng trong vấn đề phát triển vùng cây ăn quả bền vững, giá trị cao và không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để phát triển thị trường. Ông cũng đề nghị Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp; Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang để giới thiệu, quảng bá quả vải thiều sang nhiều quốc gia, nhất là thị trường Nga, Hàn Quốc, Trung đông... đồng thời đưa quả vải “Trung tiến”, “Nam tiến” để người dân cả nước được tiêu dùng đặc sản của ngành trồng trọt Bắc Giang.

Bình luận của bạn