Yêu nước theo kiểu đẹp
Sáng tạo những sản phẩm làm đẹp made in Việt Nam và cổ súy dùng hàng Việt Nam đang là một xu hướng thịnh hành của giới trẻ. Slogan “chúng tớ yêu nước từ những điều bé tẹo” chỉ sau hơn một năm đã trở thành một lối sống “to đùng”.
Những kẻ mộng mơ
Hơn một năm trước, khi đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp thông báo sẽ tạo ra một dòng tinh dầu 100% Việt Nam, bạn bè ai cũng ái ngại. Họ lo lắng là vì các thương hiệu nước hoa, tinh dầu danh tiếng nhất của Pháp hiện cũng đã tràn ngập thị trường Việt Nam. Những dòng bình dân và vừa tiền hơn của Mỹ, Nhật cũng có thể dễ dàng tìm thấy trong những shop hàng xách tay. Người quan tâm đến đạo diễn “Ðập cánh giữa không trung” ít nhiều đều cho rằng Ðiệp chỉ nói vui trong một cơn mơ mộng, chứ kinh doanh gì!
Nhưng chỉ một năm sau, thương hiệu tinh dầu Úi Chà của Nguyễn Hoàng Ðiệp bắt đầu được những người nổi tiếng khó tính lăng xê. Bây giờ, có ngày xưởng Úi Chà dùng hết 2 tấn cây mùi già để chiết xuất tinh dầu mà sản phẩm vẫn ra đến đâu hết đến đó. Tinh dầu mùi già của Ðiệp đã trở thành một món xa xỉ được săn lùng mỗi khi cận Tết dù giá của nó không hề rẻ hơn giá của nước hoa Pháp dòng parfum.
Nguyễn Thùy Dương, người tạo ra NOS cũng từng ôm ấp giấc mơ về một thương hiệu son thuần Việt không tạo rãnh nhăn, không gây khô môi. Câu chuyện không tưởng của Dương được chứng thực chỉ sau sáu tháng. “Các cô gái thời trang” tại Hà Nội, không mấy người không biết son NOS. Thương hiệu viết ngược của từ SON có giá rất bình dân, thậm chí bao bì nhãn mác cũng không hề long lanh thời thượng nhưng vẫn được những người rất sành về mốt ưa chuộng.
Nói riêng về mỹ phẩm handmade (làm thủ công), không thể không nhắc đến Ðỗ Anh Thư, cháu nội của cố nhạc sĩ Xuân Oanh. Thư gần như là người khởi xướng xu hướng tự làm mỹ phẩm ở Việt Nam. Mê mỹ phẩm, mong muốn tạo dựng được một sân chơi mỹ phẩm thiên nhiên ở Việt Nam, Thư đã đăng ký học một lớp làm mỹ phẩm handmade tại Mỹ và sau đó có nghiên cứu sâu về dòng này. Về nước, Thư mở lớp dạy làm mỹ phẩm thủ công và tham vọng tạo ra cả một “Vườn mỹ phẩm” trong đó quy tụ tất cả những thương hiệu mỹ phẩm handmade… nội được kiểm chứng và bảo hộ về chất lượng. Nhiều học trò của Thư đã tạo dựng thương hiệu thành công bao gồm những dòng mỹ phẩm đang được truyền bá nhiều nhất trên facebook như: Skinlosophy, Mỹ phẩm Xuka, Melanie, Mỹ phẩm sau sinh - góc của mẹ Dumy…
Nhà văn trẻ Phan Ý Yên, ngoài vai trò tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất theo thống kê của Tiki (trang bán sách trực tuyến lớn nhất Việt Nam) đồng thời là người sáng lập thương hiệu thời trang Maison Phi Phi. Từng du học ở Pháp, Yên quá hiểu sự bành trướng của các đế quốc thời trang, nhưng vẫn cố chấp với một thương hiệu cá nhân thuần nội. Các sản phẩm của Ý Yên đều lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống và sử dụng những chất liệu Việt như tơ tằm, lụa, đũi, xô gai v.v… Giấc mơ thời trang của Yên không chỉ đứng vững ở Hà Nội mà lan ở cả Sài Gòn.
Share có ý thức
Sự lên ngôi của cụm từ “hàng Việt Nam” trong giới trẻ sẽ không thể có được những bứt phá ngoạn mục như thế nếu thiếu đi những lượt chia sẻ “có ý thức” của hàng loạt người trẻ có từ ít nhất vài chục nghìn lượt follow trở lên.
Ðặng Trầm (Tracy Leo), cô gái đứng sau thương hiệu I love cook book, một fashionista (tín đồ của mốt) chính hiệu đã lập cả một topic dài để cổ súy những người quen biết và fan của mình dùng hàng Việt Nam. Nhiều năm nay, Trầm luôn nhắc đi nhắc lại điều đó và xác định đây là cuộc chiến của chính mình để ủng hộ Quốc gia. Một cuộc chiến bền bỉ và cần sự kiên định, chứ không phải chỉ ồn ào một hai status trên facebook. Trầm cùng với đội ngũ những bạn bè nổi tiếng trong giới đầu bếp năm sao của cô đều nhất quán tung hô những sản phẩm hàng Việt, từ quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng, và tất nhiên, cả nguyên liệu nấu nướng. Nhiều bạn trẻ bị Trầm ảnh hưởng, bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng, bắt đầu từ việc đổi các nhãn hàng H&M, Mango, Zara, Forever 21, Topshop, Asos… sang Khâu by CQ, Ren, Xéo Xọ, Nhà Nâu, Cà Cộ, Mono, Cincinati v.v…
Tất nhiên, những lượt chia sẻ có tâm này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Những nghi ngờ vì ăn tiền nên quảng cáo luôn luôn được đặt ra. Càng là người nổi tiếng khen tặng thì độ hoài nghi về sự nói quá của mọi người dành cho sản phẩm càng cao. Trong trường hợp đó, chỉ cần một vài comment phản hồi chê bai, sản phẩm có thể gặp sự cố lập tức. Không ít thương hiệu startup (khởi nghiệp) chết yểu cũng vì lý do này.
Nguyễn Kiến Lâm (cựu sinh viên ÐH La Rochelle, Pháp) cảm thán: “Chưa từng có thời điểm nào mình thấy người trẻ ưu ái với những sản phẩm khởi nghiệp made in Việt Nam như thế. Chỉ cần bạn làm ra một sản phẩm đường được, giá ngang bằng hoặc rẻ hơn chút so với thương hiệu cùng dòng và có thêm một vài lời giới thiệu ưu ái, thì cơ hội đã nằm trong tay bạn rồi”.
Ðể chúng ta luôn thuộc về nhau
Hit trong năm của Sơn Tùng “Chúng ta không thuộc về nhau” đã được những fan của “hàng Việt Nam” chế thành “chúng ta luôn thuộc về nhau”, ý chỉ đến sự gắn bó của họ với các thương hiệu làm đẹp thuần Việt.
Mặc dù rất được những người trẻ ưu ái nhưng cuộc chiến để hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Việt không trải đầy hoa hồng, và nếu làm không khéo, nó sẽ chỉ là một trào lưu do sôi nổi nhiệt huyết thổi bùng lên, có thể vụt tắt bất cứ lúc nào nếu không được tiếp lửa thường xuyên.
Giống như Trầm Ðặng nhận định: “Vận động dùng hàng Việt Nam là cuộc chiến kinh tế bền bỉ và lâu dài mà không phải cho các chính trị gia, các người nổi tiếng hay các hot facebookers có khả năng quyết định thắng thua, mà người có tầm ảnh hưởng nhất chính là mỗi người tiêu dùng, mỗi người dân nước Việt”.
Việc thay thế thói quen tiêu dùng không hề dễ dàng. Chính Trầm cũng “tự thú” cô và gia đình phải mất đến gần sáu tháng mới có thể “quét” sạch các món đồ Trung Quốc ra khỏi gia đình và thay thế bằng hàng “Made in Vietnam”.
Trong cuộc chơi này, cả hai phía, người mua và người bán đều phải học.
Người tiêu dùng phải học thói quen nghe, biết và chọn những sản phẩm tương đương nhưng mang nhãn Việt. Học cách ăn đúng mùa, mua đúng hiệu.
Người sản xuất phải tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm. Ðây là bài toán khó nhất đối với những Ðônkihôtê Việt khi chiến đấu với các “cối xay gió” ngoại đã có lịch sử thương hiệu hàng chục thậm chí hàng trăm năm.
Yêu người, yêu mỹ phẩm, yêu thời trang, hay yêu nước đều chỉ có thể bền vững khi nó đến từ hai phía (tổng kết của Nguyễn Kiến Lâm).