‘Made in Vietnam’ thăng hạng

Hàng xuất khẩu từ Việt Nam đứng thứ 46/52 quốc gia trên thế giới về độ tin cậy, cao hơn Trung Quốc 3 bậc. Đây là kết quả nghiên cứu thị trường của hãng Statista (Đức).

Cho dù là thiết bị gia dụng hay hàng may mặc, nguồn gốc sản xuất của sản phẩm thường là một trong những ưu tiên lớn nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Điều này vừa được minh chứng qua khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức) bằng việc công bố chỉ số nguồn gốc sản xuất (Made in country Index) 2017, trong đó xếp hạng sản phẩm của các nước theo mức độ tin tưởng của người tiêu dùng. Khảo sát có hơn 43.034 người tiêu dùng tại 52 quốc gia, vùng lãnh thổ (đại diện cho khoảng 90% dân số thế giới). Chỉ số này lâu nay được xem là một trong những cơ sở quan trọng để giới đầu tư thế giới ra quyết định bỏ vốn tạo dựng cơ xưởng sản xuất trên thế giới.

Theo đánh giá của Statista, hàng sản xuất từ Đức được người tiêu dùng thế giới tin tưởng nhất về chất lượng (dẫn đầu với 100 điểm). Trong khi đó, hàng “made in Việt Nam” được 34 điểm, đứng thứ 46 trong bảng xếp hạng. Nhìn chung, hàng Việt Nam được đánh giá có chất lượng và giá thấp, với hầu hết các đặc tính sản phẩm dưới trung bình thế giới. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc xếp áp chót (thứ 49) với 28 điểm. Hàng Việt Nam và Trung Quốc đều được đánh giá cao về tính kinh tế nhưng Statista cung cấp một nhận xét rất đáng chú ý là, trong khi hàng “made in China” được coi trọng tại quê nhà thì người Việt vẫn chuộng hàng ngoại hơn (tại Việt Nam, hàng hóa Nhật Bản được tin tưởng nhất). Hàng Việt Nam chỉ xếp thứ 42/52 về mức độ uy tín đối với người tiêu dùng nội địa. Trên thế giới, thứ hạng của hàng Việt Nam cao nhất là tại Ecuador (thứ 10) và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (thứ 20).

Tiêu chí của những đánh giá này được dựa trên các yếu tố về đặc tính sản phẩm là: Tính kinh tế, mức độ công bằng trong sản xuất, sự độc đáo, hàng thật, thiết kế xuất sắc, công nghệ tiên tiến, chất lượng cao, độ bền, độ bảo mật và khả năng chứng tỏ vị thế… Chính điều này đã làm nên thứ hạng cao của hàng hóa các nước đứng đầu danh sách khảo sát của Statista sau Đức, như Thụy Sĩ, Anh, Thụy Điển, Canada, Ý. Điều khá bất ngờ là hàng chế tạo tại Hoa Kỳ chỉ xếp thứ 10.
Nhìn vào bảng xếp hạng có thể thấy, trước tiên là nỗ lực đáng ghi nhận của các doanh nghiệp, đặc biệt là những nỗ lực không ngừng nghỉ trong vòng 1 năm qua về tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu và tiếp thị. Bởi lẽ, kết quả xếp hạng trên có được sau khi người dân ở các nước được tiến hành thăm dò đã trả lời câu hỏi “nhận thức của bạn về hàng hóa nước đó thay đổi thế nào trong 12 tháng qua”. Đây cũng là một trong ba câu hỏi mà hãng Statista tiến hành thăm dò.

Một dẫn dụ được rút ra từ kết quả khảo sát của Statista là hàng Việt Nam cho dù ở vị thế rất khiêm tốn trên thị trường hàng hóa thế giới (vốn cạnh tranh hết sức khốc liệt) với điểm cộng là tính kinh tế, nhưng tại quê nhà thì hiệu quả chưa cao. Đã từ lâu, người Việt Nam vốn chuộng hàng Nhật Bản là bởi người Nhật sản xuất theo phương châm những gì tốt nhất dành cho thị trường nội địa. Đã đến lúc, bên cạnh phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa Việt cần dành ưu tiên những hàng hóa tốt nhất của mình cho người tiêu dùng trong nước, dẫu thị phần nội địa trong cơ cấu sản xuất của các doanh nghiệp này còn chưa cao. 

Bình luận của bạn