‘Tàu lặn made in VN’ đến Thái

Ông Phan Bội Trân, một Việt kiều Pháp sống ở TP.HCM, đã gặt hái “quả ngọt” khi mới đây đối tác Thái Lan muốn mua khoảng 300 tàu lặn mini do ông chế tạo để phục vụ cho thám hiểm du lịch biển.

alt

Ông Phan Bội Trân với khuôn giá chiếc tàu lặn - Ảnh: Trung Hiếu

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trân cho biết hiện hợp đồng phía đối tác Thái Lan đồng ý và đang chờ nhà sản xuất ở VN quyết định. Giống như lô hàng tàu lặn bán cho đối tác Malaysia lần trước, hợp đồng với Thái Lan lần này do môi giới người Pháp giới thiệu. Nếu hợp đồng được ký kết, nhóm ông Trân sẽ sản xuất ngay tại Thái Lan. Sau đó đối tác ở Thái đem tàu giới thiệu với các công ty du lịch ở Đông Nam Á.

Sẽ sản xuất ở Thái Lan

Ông Trân cho biết mẫu mã, hình dáng tàu lặn chào bán cho Thái Lan lần này cũng giống với tàu bán cho Malaysia. Tàu có chiều dài 2 m, bề ngang 0,8 m, cao 1,5 m. Tàu có ba phần gồm đầu - thân - đuôi. Phần đầu sẽ gắn thiết bị bánh lái độ sâu, thân tàu thiết kế đủ cho 1 hoặc 2 người ngồi và đuôi tàu sẽ gắn động cơ điện. Toàn bộ vỏ tàu được làm bằng vật liệu composite. Tàu có vận tốc khá chậm, 1 - 5 hải lý/giờ, có thể lái lặn sâu 3 m dưới nước, thời gian lặn khoảng 2 giờ.

 “Gọi cho đúng thì đây là thiết bị lặn. Còn việc sản xuất ở Thái là do ở VN chưa có HS code (mã hàng hóa - PV) cho thiết bị lặn nên không xin được chứng chỉ xuất xứ và nếu xuất nguyên chiếc sẽ phải đóng 30% thuế nhập khẩu cho hải quan Thái. Hiện khuôn giá, mẫu mã đã được gửi sang Thái rồi”, ông Trân lý giải.

Về giá bán, ông Trân cho biết dự kiến khoảng 5.000 USD/chiếc, cao hơn 50% so với giá bán cho đối tác Malaysia. Giá bán sang Thái cao hơn Malaysia, theo ông Trân, là do tàu ngầm đã được khai thác hiệu quả, có thương hiệu và uy tín hơn lần xuất trước. “Đối tác Thái Lan đã đồng ý ký kết hợp đồng sản xuất rồi, giờ chỉ còn chờ phía VN đồng ý nữa thôi”, ông chia sẻ.

Sau hai đơn hàng ở Malaysia và Thái Lan, môi giới người Pháp sẽ tìm kiếm đơn hàng ở khu vực Nam Mỹ, Mỹ La tinh, nơi có du lịch biển quanh năm và tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới.

Lãi 4.000 USD/chiếc

Điều đáng chú ý, theo ông Trân, nếu hợp đồng thành công sẽ đem nhiều lợi nhuận cho nhà sản xuất. Theo đó một chiếc tàu lặn được chào giá 5.000 USD nhưng chi phí chỉ tốn chừng 1.000 USD. Ở lần mua bán này, môi giới người Pháp cũng được hưởng 30% tổng giá trị hợp đồng nhưng sẽ do đối tác Thái Lan chi trả. Điều này khác với lần mua bán với Malaysia, bên bán phải trả 30% giá trị hợp đồng cho môi giới. “Lần bán 25 chiếc tàu lặn cho Malaysia, giá mỗi chiếc khoảng 3.500 USD nhưng phải trả cho trung gian 30%, thành ra mỗi chiếc chúng tôi lãi chưa tới 1.500 USD. Lần này nếu thành công, mỗi chiếc lãi khoảng 4.000 USD”, ông Trân nói.

Với mức lợi nhuận mà ông Trân đưa ra, nếu hợp đồng được ký kết, lô hàng 300 chiếc tàu lặn sẽ đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất 1,2 triệu USD, quy ra tiền Việt hơn 24 tỉ đồng. Tuy nhiên, do hợp đồng này được ông Trân phó thác cho một công ty nước ngoài thực hiện với đối tác Thái Lan nên toàn bộ doanh thu và lợi nhuận sẽ nằm ở nước ngoài chứ không về VN. “Do hợp đồng đang thương thảo nên tôi không muốn tiết lộ nhiều về các điều khoản”, ông Trân nói.

Là người từng sát cánh với ông Trân trong dự án chế tạo tàu ngầm Yết Kiêu 1 vào năm 2010, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM, cho hay ông Trân là người tâm huyết với lĩnh vực kinh tế biển VN. Ông Trân nhiều lần tâm sự muốn đóng góp cho lĩnh vực chế tạo, sản xuất tàu ngầm trong nước. “Tuy vậy để những con tàu lặn này đảm bảo an toàn, cung cấp dưỡng khí, khắc phục sự cố chết máy dưới nước nhằm phục vụ cho du lịch thì ông Trân phải có nghiên cứu, cải tiến thêm nữa”, ông Lâm nói.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và  kinh tế biển TP.HCM, nhiều lần ông Lâm cũng đã kiến nghị nhà nước cần hỗ trợ các nhà khoa học nói chung và ông Trân nói riêng trong lĩnh vực khoa học, để đưa những nghiên cứu ứng dụng ra thực tế.

Theo http://www.thanhnien.com.vn

Bình luận của bạn