350 gian hàng tham gia Hội chợ làng nghề Việt Nam 2015

Tối 12-12, Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ XI năm 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã chính thức khai mạc. Hội chợ năm nay thu hút sự tham gia của 350 gian hàng đến từ hơn 200 doanh nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Tiếp nối thành công của chuỗi các hội chợ thủ công mỹ nghệ, làng nghề - Craftviet những năm trước, Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ XI năm 2015 là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2015 nhằm chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Hội chợ năm nay quy tụ trên 200 đơn vị là các tổ chức, công ty, hiệp hội, hợp tác xã, làng nghề, nghệ nhân trong cả nước tham gia. Với 350 gian hàng, các đơn vị mang đến hội chợ nhiều mặt hàng đa dạng phong phú, nông lâm thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống, lương thực, thực phẩm, trái cây và đồ uống sạch, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ. Điển hình như các sản phẩm: Lụa tơ tằm Mỹ Đức, lụa Vạn Phúc, dệt thổ cẩm, ngọc trai trạm khảm, gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan, tranh thêu, tranh hoa tươi ướp, tranh chữ thư pháp, trầm hương, gỗ mỹ nghệ… Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm lạ, độc đáo, rõ nguồn gốc xuất xứ đến từ các làng nghề truyền thống được trưng bày, giới thiệu tại hội chợ.

 

Nhiều sản phẩm truyền thống được trưng bày tại hội chợ.

Phát biểu khai mạc hội chợ, Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Hiện nay, nước ta có trên 5.096 làng nghề và làng có nghề. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748 làng, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Sản phẩm làng nghề Việt Nam ngày càng tinh xảo, với nhiều chủng loại sản phẩm, mẫu mã đẹp, đa dạng phong phú, đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này góp phần thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm qua”.

“Năm 2014 tổng giá trị xuất khẩu của ngành đạt 30,86 tỷ USD trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu của thủ công mỹ nghệ đóng góp 1,6 tỷ USD. Tuy vậy, làng nghề đã và đang gặp phải khó khăn như: thiếu vốn và mặt bằng sản xuất, nạn ô nhiễm môi trường từ các làng nghề ngày càng trầm trọng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh múm, chậm đổi mới về kiểu dáng, mẫu mã, sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước còn yếu, thị trường tiêu thụ có nguy cơ bị thu hẹp, thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa quan trọng”, ông Hồ nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội chợ còn diễn ra nhiều hoạt động thiết thực như: Diễn đàn “Làng nghề phát triển và hội nhập góp phần xây dựng nông thôn mới”; Hội thảo “Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Hà Giang: Cơ hội, thách thức và giải pháp; Chương trình “Trình diễn một số nghề tiêu biểu”; Biểu diễn văn hóa - văn nghệ...

Hội chợ sẽ mở cửa đón khách thăm quan từ 8 giờ 30 đến 21 giờ 30 các ngày từ 12 đến 16-12.

Bình luận của bạn