4 triển lãm về ngành công nghiệp hỗ trợ: Cơ hội tăng nội địa hóa

4 triển lãm về ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) gồm: “Metalex Vietnam 2016”, “Triển lãm Liên minh các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp hỗ trợ 2016”, “Nepcon Vietnam 2016” và “Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Vietnam 2016″ vừa diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TPHCM.

15b-copy

Ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Hội viên HANSIBA giới thiệu các gian hàng, những lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghệ cao của Doanh nghiệp thành viên HANSIBA với ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM cùng các quan khách tham dự khai mạc Metalex 2016.

Các cuộc triển lãm có sự tham gia của hơn 500 thương hiệu quốc tế. Các DN thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), gồm: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại HIKARI Việt Nam, Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Công ty Oristar Corp, Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường (TCI), Công ty CP Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (PMTT Group), Công ty TNHH Thương mại và Thiết bị công nghiệp Thủ đô (IET Elevator), Công ty N&G Corp… đã tham gia gian hàng tại METALEX Vietnam 2016. Ban lãnh đạo điều hành HANSIBA tham dự kỳ Hội chợ nhằm giao lưu thúc đẩy hợp tác các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, tiếp nhận chuyển giao công nghệ… cùng các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean với các DN HANSIBA.

Tiếp nhận công nghệ mới

Được tổ chức thường niên tập trung vào ngành sản xuất công nghiệp, Metalex Vietnam lần thứ 10 giới thiệu những công nghệ, máy móc thiết bị mới trong ngành sản xuất kim loại và mạng lưới kinh doanh quốc tế.

Ông Isara Burintramart – Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex – đơn vị tổ chức triển lãm cho biết, trong suốt 10 năm phát triển, Metalex Vietnam đã tập trung đồng hành cùng các nhà công nghiệp để có sự chuẩn bị tốt nhất nhằm giúp họ cạnh tranh, hòa nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đồng hành với Metalex Vietnam, các nhà sản xuất công nghiệp điện tử còn có cơ hội tiếp nhận công nghệ mới tại “Nepcon Vietnam” – triển lãm duy nhất cho ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam, nơi DN tiếp cận công nghệ và máy móc thiết bị sản xuất các bộ phận điện tử chất lượng.

Theo ông Isara Burintramart, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI trong 10 năm qua và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai. Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất mới của châu Á và đang là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thế giới nhờ lợi thế của chi phí lao động, ưu đãi về thuế và vị trí thuận lợi trong chuỗi cung ứng. Các cơ hội kinh doanh sẽ được tăng cường hơn nữa tại “Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2016”, nền tảng cho các nhà sản xuất linh kiện và người mua hàng đến gặp gỡ và trao đổi kinh doanh.

TP HCM xác định phát triển CNHT có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp.

Nâng cao hơn nữa tỷ lệ cung ứng nội địa

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO Văn phòng TP HCM) cho rằng, hiện tại, tỷ lệ cung ứng nội địa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 32%, so với ở Thái Lan là 56% hay ở Trung Quốc là 65% thì tỷ lệ này vẫn còn rất thấp. Bối cảnh hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2018, bãi bỏ thuế quan của Việt Nam đang đặt việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất thành một nhiệm vụ cấp bách. “Tôi nghĩ rằng việc nâng cao hơn nữa tỷ lệ cung ứng nội địa là một mấu chốt quan trọng” – ông Takimoto Koji nhấn mạnh. Cũng theo ông Takimoto Koji, việc Jetro tiếp tục hợp tác cùng Reed Tradex tổ chức “Triển lãm Liên minh các Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ 2016” như một bộ phận của việc hợp tác kinh tế theo Hiệp định Đối tác kinh tế Nhật Bản – Việt Nam.

Ông Trương Hoàng Hải – Tổng thư ký HANSIBA:

truong-hoang-hai-copyNhư chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” vừa tổ chức mới đây. Chính phủ mong các doanh nghiệp, doanh nhân hãy khát khao làm giàu để xây dựng đất nước Việt Nam giàu có thịnh vượng. Chủ trương của Chính phủ là nuôi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế, mang tầm khu vực và thế giới, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị phân phối toàn cầu. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp thành viên HANSIBA nói riêng đều đang nỗ lực vượt qua mọi thách thức trở ngại. Trong bối cảnh đất nước ta hội nhập kinh tế thế giới. Củng cố và gây dựng các hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh với bạn bè quốc tế. Đó chính là điều hết sức cụ thể để minh chứng cho những khát khao và ước vọng được vươn ra biển lớn của doanh nghiệp Việt Nam hôm nay.

Việc sẵn sàng chi hàng chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng, để tham gia đầu tư những gian hàng tại hội chợ triển lãm quy mô quốc tế như Metalex 2016, của những doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ là thành viên của HANSIBA đã cho thấy đó là sự nỗ lực tự thân vận động. Những hướng đi đầy quyết tâm để thúc đẩy hoạt động giao thương, chào bán sản phẩm với các doanh nghiệp có nhu cầu đến từ các quốc gia đã phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ … ngay tại sân nhà. Tuy nhiên, như ý kiến chỉ đạo, định hướng của “Chính phủ kiến tạo”. Cộng đồng doanh nghiệp hiện hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn mong muốn các cấp ngành quản lý Nhà nước sẽ tiếp sức, đồng hành, hỗ trợ thực tiễn hơn nữa để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, thực sự tham gia được chuỗi cung ứng giá trị phân phối toàn cầu. Từ đó dần tiếp cận công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm hàng hoá “Made 100% in Vietnam” không thua kém bất kỳ quốc gia có nền công nghiệp phát triển nào trên thế giới. Và đó cũng chính là ý nghĩa cốt lõi để HANSIBA cùng các doanh nghiệp thành viên tham gia “Liên minh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ – Metalex 2016” vừa qua.

 
Bình luận của bạn