Cá, hoa đặc sản hội tụ ở triển lãm
Nhiều giống mới phục vụ nông nghiệp công nghệ cao như giống hoa lan, giống rau, bò sữa, giống thủy sản… sẽ được triển lãm rộng rãi tới bà con nông dân trong chương trình Hội chợ - triển lãm giống nông nghiệp 2016 diễn ra từ 23- 27.6.
Hội chợ dự kiến có gần 300 gian hàng triển lãm và các chương trình xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm giống nông nghiệp TP.HCM. Đặc biệt, có nhiều giống nông sản đặc sản như giống cá nâu, giống lan rừng… lần đầu tiên được lai tạo, nhân giống, thuần dưỡng thành công cũng sẽ được giới thiệu.
Nhiều giống cá mới
Ông Đỗ Việt Hà – Phó Trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM thông tin, tham gia hội chợ - triển lãm năm nay, đơn vị này sẽ giới thiệu giống cá nâu đặc sản ở vùng Cần Giờ (TP.HCM) và Tiền Giang vừa được lai tạo, nhân giống. Loại cá này có giá trị kinh tế cao, vừa có thể dùng làm thực phẩm vừa có thể sử dụng làm cá cảnh vì hình dáng bên ngoài rất đẹp, màu sắc sặc sỡ.
Đặc biệt, số lượng cá nâu ngoài tự nhiên rất hạn chế nên giá thị trường hiện từ 70.000 – 100.000 đồng/kg nhưng không đủ cung cấp. Hiện tại, Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TP.HCM đã nhân giống được 9.000 con cá nâu, trọng lượng mỗi con khoảng 0,5kg.
Ông Hà cho biết, cá nâu là giống cá đặc sản của địa phương, chưa từng được thuần hóa và nhân nuôi thương phẩm. Trước đây, cũng có một số nơi đem cá nâu tự nhiên về nuôi thử nghiệm nhưng cá thường đâm đầu vào bể kính và chết sau đó không lâu.
Tuy nhiên, sau thời gian dài thuần dưỡng, hiện tại, lượng cá nâu ở Khu NNCNC đã bắt đầu quen với việc ăn thức ăn công nghiệp, một số đã có trứng… Nếu nhân giống thành công, việc nhân nuôi thương phẩm loài cá này hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Ngoài cá nâu, đơn vị này cũng sẽ giới thiệu giống cá thiên đường, là giống cá cảnh do một số thương nhân Anh Quốc mang sang Việt Nam từ hơn 100 năm trước. Hiện tại, lượng cá thiên đường còn trong dân không nhiều. Do đó, việc nhân giống cá này sẽ góp phần giữ được bộ gene cá cảnh quý hiếm này.
Vẫn còn phụ thuộc giống nhập khẩu
Ở lĩnh vực cây trồng, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM sẽ giới thiệu một số dòng dưa lưới bố mẹ. Đây là giống cây phục vụ phát triển NNCNC do mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện tại, mô hình trồng dưa lưới đang cho kết quả rất khả quan và đã được nhiều địa phương nhân rộng. Ngoài ra, một số giống lan rừng, hoa kiểng… mới lai tạo cũng lần đầu được giới thiệu tới bà con nông dân.
Theo ông Dương Hoa Xô – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, một số mô hình NNCNC hiện đang phát triển tốt, tuy nhiên, giống sử dụng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Ví dụ như giá dưa lưới trong nước luôn ở mức từ 50.000 – 65.000 đồng/kg, trong khi xuất khẩu sang Nhật đạt mức giá 70.000 đồng. Hơn nữa, Nhật Bản chỉ trồng được 1 vụ dưa lưới/năm trong khi Việt Nam có thể trồng đến 4 vụ/năm. Tuy nhiên, giống dưa lưới hiện nay vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Do đó, việc nghiên cứu lai tạo, nhân giống sản phẩm này để giảm giá thành cho nông dân là rất cần thiết.
Cũng theo ông Xô, cá cảnh là một trong những sản phẩm NNCNC chủ lực của TP.HCM. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nhiều cơ quan, đơn vị đầu tư nghiên cứu, lai tạo giống một cách bài bản. Do đó, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành giống là mối quan tâm lớn của thành phố.
Hiện tại, tới năm 2020, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm giống NNCNC của cả nước, tập trung chủ yếu ở các đối tượng như rau, hoa, vật nuôi, thủy sản… TP.HCM cũng quan tâm cải thiện chất lượng đàn bò sữa, nhằm nâng năng suất cho sữa từ 5.300kg hiện nay lên mức 7.000kg/con/chu kỳ vào năm 2020.