Đã tham gia hội chợ, cần chuẩn bị tốt nhất

Với ngành du lịch, xúc tiến giới thiệu quảng bá điểm đến, sản phẩm là nhiệm vụ sống còn. Thế nên, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nhất cho mỗi lần tham gia hội chợ du lịch quốc tế, vì "không tới hội chợ, không ai biết mình".

Hằng năm trên thế giới có hàng chục hội chợ quốc tế lớn nhỏ. Đây chính là dịp để mỗi quốc gia, mỗi hãng lữ hành chào bán sản phẩm, tìm kiếm đối tác, học hỏi cách làm hay của các nước...

Một gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ du lịch quốc tế tại Đức. Ảnh: VGP

Có những hội chợ du lịch lớn mà công ty lữ hành nào cũng muốn góp mặt như Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Berlin (Đức), JATA (Tourism Expo Japan), WTB ( Anh)... vì đây là cơ hội rất quý báu để ngành du lịch giới thiệu điểm đến quốc gia, lữ hành giới thiệu sản phẩm, củng cố quan hệ với đối tác cũ, tìm đối tác mới để bán tour, xây dựng tour tuyến mới, tìm kiếm thông tin thị trường…

Cơ hội vàng

Giám đốc Lữ hành HanoiTourist, ông Lưu Đức Kế nhận xét việc tham gia quảng bá, xúc tiến giới thiệu sản phẩm điểm đến tại các hội chợ du lịch quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang "mạnh ai nấy làm".

Chẳng hạn tại Hội chợ du lịch quốc tế Đức (ITB) vừa diễn ra vào tháng 3/2016, có 50 doanh nghiệp Việt Nam tham dự. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thu được hiệu quả rất tốt thì vẫn có doanh nghiệp kêu than tốn tiền còn hiệu quả không biết thế nào. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng những doanh nghiệp này đến hội chợ trong tâm thế cầu may mà không có mục đích cụ thể.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thọ, Phó Tổng Giám đốc Lữ hành HanoiRedtour, doanh nghiệp du lịch Việt Nam "phải tham dự các hội chợ nếu muốn bạn biết tới mình. Nếu không, chẳng ai biết Việt Nam là thế nào, ở đâu”.

Cần chuẩn bị kỹ càng, chuyên nghiệp

Là lữ hành có nhiều kinh nghiệm tham dự các hội chợ du lịch quốc tế, ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng Giám đốc lữ hành liên doanh với doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản JBT-TNT cho rằng có 2 việc các lữ hành cần làm tốt trước khi đi hội chợ.

Thứ nhất, cần tìm hiểu nội dung hội chợ hướng đến để có sản phẩm phù hợp với thị trường mình muốn tiếp cận. Sau đó, đưa sản phẩm lên trang web của công ty một cách chuyên nghiệp. 

Thứ hai, trước khi đi hội chợ nào phải tìm hiểu kỹ các công cụ của hội chợ (trang web, danh sách đơn vị tham gia triển lãm, đối tác tham gia...) để giới thiệu về công ty mình, rồi tìm cách tiếp cận. Sau đó chủ động hẹn gặp đối tác phù hợp để giới thiệu sản phẩm, đặt quan hệ hợp tác.

Một vấn đề khác là doanh nghiệp cũng không nên kỳ vọng “thắng ngay trận đầu” mà cần kiên trì và có chiến lược dài hơi, bài bản.

Điều này là cần thiết khi doanh nghiệp muốn thực sự tìm kiếm cơ hội tại các thị trường quốc tế thông qua những hội chợ du lịch lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, những doanh nghiệp đang quan tâm tới việc tham gia hội chợ phải kiên trì giới thiệu về doanh nghiệp mình, tìm hiểu và gửi yêu cầu hẹn gặp đối tác…

Còn bà Nguyễn Thị Thọ gợi ý các lữ hành nên chuẩn bị nhiều món quà nho nhỏ từ các làng nghề truyền thống để tặng khách tham quan và đối tác thay vì các tờ rơi, tài liệu. 

"Khách tham quan không hề thích giấy tờ nhưng những món quà nho nhỏ, xinh xinh thì họ rất trân trọng", bà Thọ nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm đến các gian hàng của doanh nghiệp khác để mời họ tới tham quan gian hàng của mình, thay vì chỉ ngồi một chỗ và chờ đợi. Như vậy, chúng ta sẽ không lãng phí đầu tư cho mỗi lần tham gia hội chợ.

Bình luận của bạn