Gần 200 DN tham dự VietShrimp lần nhất

Với chủ đề hội tụ để phát triển, hội chợ triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ nhất năm 2016 (VietShrimp 2016) sẽ chính thức diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu từ ngày 24-6-2016. Hội chợ sẽ thu hút gần 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố tổ chức VietShrimp 2016 diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu hôm nay 27-4, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam kiêm trưởng ban tổ chức, cho rằng con tôm Việt Nam đã có tên tuổi trên thị trường thế giới; không ít doanh nghiệp “ăn nên làm ra” và có thương hiệu trên thế giới cũng nhờ con tôm.

“Nhưng qua quá trình phát triển, nó cũng bộc lộ không ít yếu điểm (dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…), cho nên mục tiêu của chúng tôi qua hội chợ là muốn tìm giải pháp đưa ngành tôm phát triển bền vững, đi sâu hơn nữa vào chất lượng trong thời gian tới”, ông cho biết.

Còn theo thông tin từ Ban tổ chức, hội chợ sẽ là nơi giới thiệu những thành tựu ngành tôm Việt Nam đã đạt được thời gian qua cũng như đánh giá thế mạnh và thách thức mà ngành tôm đang gặp phải, từ đó tìm giải pháp khắc phục nhằm giúp ngành tôm phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Tại buổi họp báo, ông Võ Hồng Ngoãn, ngụ thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, người được mệnh danh là “vua” nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng điểm yếu lớn nhất của con tôm Việt Nam là chất lượng con giống quá kém, có thể ảnh hưởng đến cả ngành. “Người nông dân có kỹ thuật nuôi giỏi đến đâu, hạ tầng có đầu tư tươm tất như thế nào, nhưng con giống có vấn đề thì cũng thua, cũng phá sản thôi”, ông nói.

Do đó, ông Ngoãn đề nghị doanh nghiệp sản xuất giống phải “bảo hành” con giống khi bán cho người nông dân trong thời gian 30 ngày đối với tôm thẻ chân trắng và 60 ngày đối với tôm sú. “Nếu trong thời gian “bảo hành”, tôm giống bị thiệt hại, thì doanh nghiệp không được thu tiền của nông dân”, ông gợi ý.

Theo ông Ngoãn, với cách thực hiện như ông đề xuất sẽ loại bỏ được ngay những đơn vị sản xuất giống kém chất lượng, bởi chỉ những doanh nghiệp có tôm giống đạt chất lượng mới dám “bảo hành” và ngược lại.

“Làm được việc này sẽ rất tốt cho bà con nông dân và chuyên ngành quản lý cũng khỏe bởi họ không cần phải chạy tới chạy lui kiểm tra chất lượng nữa”, ông cho biết.

Trước đề xuất nêu trên, ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm ICAFIS thuộc Hội nghề cá Việt Nam, đã hoàn toàn tán thành và yêu cầu ông Ngoãn nên sớm hoàn chỉnh thành một bài báo cáo để trình bày trong hội thảo khi triển lãm diễn ra.

Theo ban tổ chức, trong khuôn khổ VietShrimp 2016 sẽ diễn ra ba chuỗi sự kiện chính, gồm các hội thảo ngành tôm với các chủ đề về con giống, thức ăn, dinh dưỡng, môi trường và dịch bệnh; OKhội chợ triển lãm và triển lãm ảnh với chủ đề “tự hào tôm Việt”

Được biết, triển lãm với sự tham dự của gần 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ kết thúc vào ngày 26-6.

Bình luận của bạn