Hà Nội biến "Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam" thành cơ hội xúc tiến lớn nhất năm
Chương trình diễn ra từ ngày 21 - 25/11/2018, tại Quảng trường Trung tâm thương mại Mega Mall, Royal City - 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Nâng tầm hoạt động
Sau 4 năm tổ chức, theo đánh giá của BTC, Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam đã khẳng định vị trí là hội chợ hàng đầu giới thiệu các sản phẩm đặc sản chất lượng cao từ mọi miền đất nước đến với các kênh phân phối và người tiêu dùng Hà Nội.
Tiến tới mục tiêu năm 2020 sẽ tổ chức Hội chợ đặc sản vùng miền quốc tế; năm 2018, Hà Nội lại tiếp tục có những nghiên cứu và cải tiến chất lượng của hoạt động có ý nghĩa này.
Theo đó, năm nay quy mô Hội chợ đã lên tới gần 300 gian hàng, với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đến từ 6 quốc gia trên Thế giới. Cùng với đó, Hội chợ đặc sản vùng miền kết hợp với Triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm” cũng quy tụ gần 100 gian hàng của trên 20 làng nghề tiêu biểu của Hà Nội, trong một không gian trưng bày mang đậm giá trị văn hóa và nghệ thuật của các vùng miền, làng nghề.
“Các sản phẩm được giới thiệu tại hội chợ là đặc sản đặc trưng của các vùng miền Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, có giấy chứng nhận VSATTP, mẫu mã bao bì đẹp, có tiềm năng xuất khẩu... phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và làm quà tặng. Cũng tại đây sẽ liên tục diễn ra các hoạt động trình diễn kỹ thuật sản xuất hàng hóa”, đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) cho biết.
Cũng theo đại diện này, không gian văn hóa đậm nét truyền thống của các dân tộc Việt Nam được tổ chức hằng đêm trong suốt kỳ Hội chợ như không gian thưởng trà Việt; không gian đặc sản và văn hóa 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long; biểu diễn nghệ thuật làm bánh dân gian; không gian đặc sản và văn hóa Tây Bắc; văn hóa cồng chiêng... sẽ là điểm nhấn đặc sắc nhất của Hội chợ.
“Hội chợ năm nay cũng có sự tham gia của các gian hàng thuộc chương trình OCOP (One Commune One Product - Mỗi xã một sản phẩm), là một chương trình quan trọng mới được Chính phủ phê duyệt gần đây. Và không gian bán hàng di động là một điểm nhấn để phát triển kênh bán lẻ các sản phẩm đặc sản và quà tặng cho thị trường trong nước trong tương lai”, đại diện HPA cho biết thêm.
Góp mặt nhiều sản phẩm đặc sản xuất khẩu chủ lực
Theo BTC, các nhóm sản phẩm tham gia trưng bày tại hội chợ năm 2018 bao gồm: Nhóm sản phẩm thực phẩm, nhóm sản phẩm đồ uống, nhóm gia vị, nhóm thủ công mỹ nghệ.
Đặc biệt, trong đó có rất nhiều sản phẩm đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
“Những mặt hàng đặc sản vùng miền đồng thời là những mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có mặt ở hội chợ đặc sản vùng miền gồm gạo, tôm, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều… với tên tuổi của Gạo Hoa sữa, gạo Séng cù, gạo Rươi…đến từ nhiều tỉnh thành như Cà Mau, Lào Cai…. Các sản phẩm tôm trứ danh của đồng bằng Sông Cửu Long cũng được giới thiệu như tôm khô Cà Mau.
Chè là mặt hàng rất phổ biến tại hội chợ với tên tuổi của Chè Thái nguyên, chè san tuyết Tà Xùa, Suối Giàng, Phìn Hồ… Sản phẩm Cà Phê từ cà phê Arabica của Lâm Đồng đến cà phê Robusta của Đắc Lắc với các chứng nhận chất lượng từ Châu Âu, chứng nhận thương mại công bằng được giới thiệu rộng rãi…
Không thể không nói tới các sản phẩm chủ lực khác như Hạt tiêu sọ Phú Quốc, tiêu Tiên Phước, hạt điều rang Bình Phước, Thanh long Bình Thuận… đem lại niềm tự hào cho người tiêu dùng về tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm đặc sản của Việt Nam, đồng thời cũng nâng cao nhận thức về trách nhiệm của người tiêu dùng, của doanh nghiệp để duy trì và phát triển uy tín, thương hiệu các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của quốc gia”, đại diện BTC cho biết.
Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam là sự kiện thường niên, do UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) là đơn vị chủ trì thực hiện. Sau bốn năm tổ chức thành công, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam đã trở thành sự kiện xúc tiến thương mại thực sự có uy tín cao, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản với người tiêu dùng Hà Nội cũng như tham gia chuỗi cung ứng – tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.
Các sản phẩm được trưng bày tại hội chợ đều được đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, đa dạng và phong phú về chủng loại, là các đặc sản đặc trưng cho các vùng miền Việt Nam, có đầy đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn mác rõ ràng…chính vì vậy đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của hệ thống các nhà phân phối của thủ đô. Tính đến nay đã có hàng nghìn các giao dịch giữa các doanh nghiệp tham gia hội chợ với các đơn vị phân phối và không thể kể hết các sản phẩm đặc sản vùng miền đã được đưa vào hệ thống phân phối và bán lẻ của thủ đô, góp phần tích cực vào chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Đảng và nhà nước.
Mối quan tâm của các nhà phân phối các sản phẩm vùng miền ngày càng tăng, có thể thấy các đặc sản vùng miền của Việt Nam trong chuỗi siêu thị của Vinmart, Big C, AEON, Lotte… Nhiều hệ thống bán lẻ lớn như AEON còn cử những đoàn công tác lớn đến với hội chợ để tìm kiếm sản phẩm mới đưa vào chuỗi cung ứng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Nhật Bản…. Nhiều siêu thị đã có các khu riêng kinh doanh các đặc sản vùng miền. Các đặc sản vùng miền cũng trở nên phổ biến tạo hệ thống các sân bay, trung tâm du lịch ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.