Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ lần thứ 26: Cơ hội thúc đẩy và phát triển hàng Việt

Du khách tỏ ra rất hào hứng với những mặt hàng thủ công được bày bán tại hội chợ.

Ngày 19-11, tại khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội), Trung tâm nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ (Craft Link) tổ chức hội chợ hàng thủ công truyền thống thường niên lần thứ 26, với sự tham gia của hơn 40 quầy hàng bày bán các sản phẩm thủ công đặc sắc của các nhóm dân tộc thiểu số, các làng nghề và các nhóm khuyết tật.

Bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc Trung tâm Craft Link chia sẻ, hoạt động này được bắt nguồn từ những mong muốn hỗ trợ các nhóm sản xuất tham gia hội chợ có cơ hội bảo tồn, khôi phục truyền thống văn hóa, phát triển kỹ năng của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời giúp các sản phẩm thủ công của họ tiếp cận được với thị trường, qua đó có thể tăng thêm thu nhập, góp phần vun đắp thêm lòng tự hào của người sản xuất về những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Đây là sự kiện diễn ra trùng vào dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập của Craft Link, thu hút được sự tham gia của nhiều nhóm sản xuất từ khắp các vùng miền của đất nước. Thông qua hội chợ, các nhóm sản xuất không chỉ bán được sản phẩm của mình, tăng thêm thu nhập cho bản thân, mà còn có đây còn là cơ hội tốt để giao lưu trực tiếp với du khách và hiểu kỹ hơn về thị hiếu và thói quen tiêu dùng của họ.

Hội chợ trưng bày và giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công như quần áo, đồ thổ cẩm, giỏ mây tre đan các loại, đồ chơi cho trẻ em, dụng cụ trang trí nhà cửa hay đồ giáng sinh… Khách hàng không chỉ đến để mua các sản phẩm thủ công truyền thống, xem các tiết mục văn nghệ đặc sắc, đậm đà tính dân tộc, mà còn có dịp để học hỏi thêm về truyền thống văn hóa của các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm làng nghề.

Anh Đinh Mạnh Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Hội chợ lần này là một dịp rất tuyệt vời không chỉ với người dân thủ đô mà còn cho khách du lịch quốc tế có cơ hội được tiếp cận với những sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc của các đồng bào dân tộc thiểu số. Qua quy mô cũng như số lượng gian hàng tham gia hội chợ, những du khách như chúng tôi có thể cảm nhận rõ được sự nỗ lực cũng như tâm huyết trong lao động của những người thợ thủ công nơi đây”.

Tại hội chợ còn có các hoạt động trình diễn nghề: dệt thổ cẩm, vẽ batik, thêu... cùng các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động mang tính giáo dục cho trẻ em. Các em nhỏ được tham gia các hoạt động hữu ích miễn phí như: tập làm các sản phẩm thủ công, vẽ mặt nạ, làm thiệp chúc mừng, làm vòng tay, tô màu các mẫu hoa văn dân tộc thiểu số, tập thiết kế thời trang hoặc tham gia các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, đánh chuyền, mèo đuổi chuột, kéo co…

Thông qua các hoạt động này, BTC mong muốn các em nhỏ sẽ hiểu rõ hơn về các quy trình làm hàng thủ công truyền thống, đồng thời giúp các em nhận thức được giá trị của lao động và đó chính là những kiến thức quý báu theo các em trong những năm tháng sau này.

Hội chợ thu hút gần 5.000 khách đến tham quan, giao lưu văn hóa và mua sắm trong ngày mở cửa duy nhất 19-11.

Bình luận của bạn