Hội chợ Vietbuild quy tụ hàng loạt công nghệ tiên tiến trên thế giới
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2018 lần thứ 3 với chủ đề Bất động sản - Trang trí nội ngoại thất - Kiến trúc - Xây dựng & Vật liệu xây dựng vào ngày 19.11. Theo đó, buổi triển lãm sẽ được tổ chức từ 23 – 27.11 với quy mô khoảng 1.600 gian hàng, tăng khoảng 100 gian so với kỳ trước, đáp ứng nhu cầu sửa chữa, trang trí nâng cấp nhà cửa của người dân, các đơn vị.
Các gian hàng tham gia triển lãm với nhiều sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến của 273 doanh nghiệp trong nước, 180 doanh nghiệp liên doanh, 60 doanh nghiệp, các tập đoàn nước ngoài đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Anh, Pháp...
Triển lãm được xem là cơ hội để các doanh nghiệp cùng nhau phát triển, chuyển giao khoa học công nghệ và trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư tài chính, liên kết nhằm cho ra đời các dòng sản phẩm mới về bất động sản, trang trí nội ngoại thất, kiến trúc, vật liệu xây dựng cao cấp.
Bên cạnh đó, tại đây cũng thể hiện quy trình của một công trình xây dựng, từ khâu tư vấn, thiết kế, quy hoạch kiến trúc, cung ứng kỹ thuật xây dựng đến các dòng sản phẩm. Có nhiều chủng loại khác nhau về vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất: tháp, gạch, ngói, kính, hệ thống điện, hệ thống cửa, cổng rào, bàn ghế, giường tủ, thiết bị vệ sinh, phòng tắm, nhà bếp, phòng khách, văn phòng làm việc, thiết kế cảnh quan, vườn sân, thiết bị quan sát camera, hệ thống thiết bị chiếu sáng, đèn trang trí, cách nhiệt, cách âm...
Ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết việc tham gia triển lãm là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi, đồng thời mở rộng thị trường. Điều này là rất cần cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường vật liệu xây dựng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ giảm, lượng hàng tồn kho đang có xu hướng gia tăng...
Nêu tình trạng tiêu thụ vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp những tháng cuối năm 2018, ông Nam cho biết thêm tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước đang có xu hướng chậm lại, sản lượng tại các doanh nghiệp tăng mạnh. Với xi măng, dự kiến tổng công suất năm nay khoảng 93-96 triệu tấn. Sản lượng xi măng tiêu thụ tốt không phải do thị trường nội địa mà chủ yếu là xuất khẩu.
Các sản phẩm khác cũng đang trong tình trạng tồn kho lớn, như gạch ceramic ước tính nhiều nhà máy tồn kho từ 3-4 tháng. "Tôi đi khảo sát thấy nhiều doanh nghiệp chất đầy hàng hoá ra đường, ra sân. Gạch ceramic hiện nay có công suất khoảng 700 triệu/m2, lớn hơn cả Ý, Tây Ban Nha...", ông Nam nói.
Trong khi đó, mặt hàng kính cũng đang tồn kho lớn, đến 5 - 6 tháng sản xuất. Lối thoát hiện nay là trong nước không tiêu thụ hết, theo đó phải tìm đường xuất khẩu. Ngoài ra, gốm sứ, gạch không nung, đồ trang trí nội thất... cũng tiêu thụ khó khăn trước sự cạnh tranh quyết liệt.
Dự báo tình hình tiêu thụ tháng cuối năm, ông Nam cho biết tháng cuối năm các doanh nghiệp vật liệu xây dựng sẽ rất là khó khăn vì vốn lưu đọng. Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, lượng tiêu thụ sản phẩm sẽ ngừng lại.