Hơn 20 vạn lượt người tham quan, giao dịch tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2019

 Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê tỉnh Đắk Lắk năm 2019, một trong những hoạt động nổi bật của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, đã khép lại chiều 13/3, thu hút hơn 200 ngàn lượt người đến tham quan, giao dịch.

Thông tin trên được Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết sáng 14/3. Theo đó, Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với 800 gian hàng; 14 nhà tài trợ, 230 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham dự. Trong đó, có 18 doanh nghiệp nước ngoài, với 65 gian hàng, gồm nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Sản phẩm mục tiêu tham gia Hội chợ - Triển lãm tập trung vào các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực cà phê, nông, lâm sản và sản phẩm phụ trợ trong ngành cà phê. 

Theo đại diện Sở Công thương Đắk Lắk, Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê tỉnh Đắk Lắk nhằm quảng bá thương hiệu cây cà phê và các sản phẩm từ cà phê của địa phương; đồng thời tạo cơ hội để người trồng cà phê, các doanh nghiệp, nhà khoa học, quản lý gặp gỡ, tìm hiểu thông tin cũng như trao đổi, giao dịch, hợp tác sản xuất, phát triển cây cà phê và các sản phẩm từ cà phê, góp phần đưa Đắk Lắk trở thành tỉnh phát triển mạnh về cà phê.

Năm nay, trong khuôn khổ của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 diễn ra từ ngày 9 đến 16/3, bên cạnh Hội chợ - Triển lãm, UBND tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức nhiều hoạt động như: Hội nghị xúc tiến đầu tư vào cây cà phê nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung; Hội thảo phát triển cà phê đặc sản; Hội thi nhà nông tranh tài; triển lãm cà phê thế giới…, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều người.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk lắk, hiện nay thương hiệu cây cà phê Đắk Lắk đang ngày một uy tín trên thị trường. Trong điều kiện đó, chính quyền cũng như người trồng, chế biến cà phê của Đắk Lắk đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, chất lượng cà phê ra bên ngoài. Điều này càng đòi hỏi Đắk Lắk phải chủ động hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, hướng dẫn người trồng cà phê kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy ngành cà phê phát triển một cách bền vững, đưa Buôn Ma Thuột trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”./.

Bình luận của bạn