Khai mạc Hội chợ Quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng và Triển lãm quốc tế mỗi xã một sản phẩm

Sáng ngày 17/4, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, đã tổ chức Lễ khai mạc Hội chợ Quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng và Triển lãm quốc tế mỗi xã một sản phẩm. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

* Diễn đàn quốc tế kết nối mạng lưới toàn cầu mỗi xã một sản phẩm

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới TƯ, Hội trợ và triển lãm này có quy mô gần 700 gian hàng của 40 tỉnh, TP trong cả nước và các gian hàng của 15 quốc gia như Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Kenya...Ngoài ra, còn có sự tham gia của các đại biểu, doanh nhân đến từ hàng chục quốc gia khác.

Cũng trong buổi sáng ngày 17/4, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Diễn đàn Quốc tế kết nối mạng lưới toàn cầu mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, với 40 năm phát triển của phong trào mỗi làng, xã một sản phẩm, đến nay, đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang tích cực triển khai phong trào. Nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu triển khai phong trào đã được đúc kết. Kết quả của mỗi phong trào/chương trình OVOP/OTOP/OCOP đã đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển nông thôn mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, phong trào mỗi làng một sản phẩm đã được triển khai từ năm 2006 với Đề án Mỗi làng một nghề. Đến cuối năm 2017, vùng nông thôn cả nước đã có 6.010 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất, tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách bài bản, thống nhất và đồng bộ.

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP). Thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ và Chương trình không còn nạn đói trên thế giới do Liên hợp quốc phát động, mỗi quốc gia đều cần có các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả từ kinh nghiệm hay của chương trình OVOP/OTOP/OCOP của các nước, Bộ NN-PTNT Việt Nam khởi xướng sáng kiến hình thành, phát triển mạng lưới OCOP toàn cầu.

Mạng lưới này nhằm kết nối các quốc gia tham gia chương trình OVOP/OTOP/OCOP trong một chuỗi liên kết toàn cầu để chia sẻ những kinh nghiệp quý báu, cách làm hay trong phát triển phong trào OVOP/OTOP/OCOP trên thế giới; nhận diện những thách thức, những yếu tố mới tác động đến phong trào, đến quảng bá các giá trị của sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trên thế giới; góp phần chia sẻ và thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thúc đẩy phong trào và kinh tế nông thôn phát triển.

Phát biểu chỉ đạo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao về Diễn đàn quốc tế OCOP. Chương trình OCOP có ý nghĩa xã hội và nhân văn rất sâu sắc, là các sản phẩm củ địa phương trên cơ sở nguồn lực tài nguyên địa phương, sức sáng tạo của người dân và cộng đồng có tầm nhìn quốc gia, quốc tế. Nhiều sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh không chỉ phục vụ ở địa phương mà còn vươn lên chiếm lĩnh các siêu thị trong nước và siêu thị có nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn CentralGroup…thường xuyên đưa sản phẩm của OCOP vào chuỗi siêu thị Big C.

Đây cũng là một trong những nhà bán lẻ tiên phong trong phong trào OCOP, thường xuyên gắn bó và giới thiệu, sản phẩm OCOP vào chuỗi diêu thị Bi C bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng. Tại hội chợ triển lãm này, Central Group Việt Nam đã có những gian hàng lớn, nhằm dễ dàng kết nối hỗ trợ nhà cung cấp đưa sản phẩm OCOP vào tiêu thụ tại Hệ thống siêu thị Big C toàn quốc.

Theo Phó thủ tướng, Việt Nam là quốc gia đưa ra sáng kiến tổ chức OCOP được nhiều quốc gia nhiệt tình ủng hộ thì chúng ta cũng phải đi tiên phong thực hiện các điều lệ cũng như kế hoạch hành động của mạng lưới kết nối toàn cầu, giúp cho chương trình ngày càng đi vào thực chất hơn và có ý nghĩa thiết thực hợn với người dân và cộng đồng các quốc gia trên toàn cầu.

Bình luận của bạn