Lễ hội cam Cao Phong lần thứ II - cơ hội quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm

Theo kế hoạch, Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ II và Hội chợ “Nông nghiệp - Du lịch - Thương mại vùng Tây Bắc” năm 2016 (Lễ hội và Hội chợ) được tổ chức từ ngày 13 - 19/11 sẽ có quy mô lớn hơn Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ nhất năm 2015. Ngày 12/10/2016, UBND tỉnh đã ban hành 2595/QĐ-UBND về việc thành lập Ban tổ chức Lễ hội và hội chợ, nâng quy mô tổ chức từ cấp huyện lên cấp tỉnh. Đây là hoạt động thiết thực nằm trong khuân khổ Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh, Lễ hội Chiêng Mường lần thứ II và 15 năm thành lập huyện. Hiện nay, các hoạt động chuẩn bị đang được Ban tổ chức Lễ hội và Hội chợ gấp rút triển khai thực hiện.

 

Cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cao Phong khảo sát vườn cam được chọn làm mẫu của gia đình ông Nguyễn Đức Mạnh ở thị trấn Cao Phong.

Năm 2015, Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ nhất đã được tổ chức thành công với quy mô 30 gian hàng từ 12 xã, thị trấn trong huyện. Theo đánh giá của Ban tổ chức, Lễ hội đã tạo được ấn tượng tốt cho người dân trong huyện và du khách trong và ngoài tỉnh, thu hút khoảng 7.000 lượt người tham quan. Trong 2 ngày tổ chức đã tiêu thụ khoảng 50 tấn cam các loại. Sau khi kết thúc Lễ hội, lượng khách, thương nhân ở các tỉnh lân cận tiếp tục về Cao Phong ký hợp đồng mua bán cam với các hộ dân với mức giá ổn định… Phát huy những kết quả đã đạt được từ Lễ hội lần thứ nhất, Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn. Lễ hội và Hội chợ với mục đích là dịp để quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu, thương hiệu cam của huyện được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận Chỉ dẫn địa lý. Năm 2016, Cam Cao Phong của tỉnh ta đã vinh dự được lọt vào Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng. Lễ hội và Hội chợ cũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, ngành và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu. Quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu “Cam Cao Phong”, quảng bá hình ảnh huyện Cao Phong nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung với các tỉnh bạn. Đặc biệt, Lễ hội lần này kết hợp với tổ chức Hội chợ Nông nghiệp- Du lịch- Thương mại vùng Tây Bắc là cơ hội cho các doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân sản xuất - kinh doanh nông nghiệp trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao thương hiệu cam và các thương hiệu khác nhằm kích cầu tiêu dùng. Đây cũng là dịp tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, doanh nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị và tầm quan trọng của Cam Cao Phong. Quy mô dự kiến có khoảng 260 gian hàng, trong đó có 80 gian hàng triển lãm và thương mại Cam Cao Phong; 80 gian hàng nông nghiệp, du lịch; 88 gian hàng thương mại tổng hợp; 20 gian hàng ẩm thực, thủ công mỹ nghệ. Lễ hội và Hội chợ dự kiến tổ chức trong 7 ngày từ ngày 13- 19/11 tại 2 địa điểm là Nhà văn hóa huyện và Công viên các nhà khoa học Việt Nam tại xóm Tiềng, xã Bắc Phong. Trong nội dung các hoạt động Lễ hội và Hội chợ sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương như: Xây dựng phóng sự về mô hình, điển hình và tình hình phát triển cam; treo băng rôn, khẩu hiệu, xe cổ động tuyên truyền, quảng cáo trên cổng chào điện tử của huyện; tổ chức họp báo công bố tổ chức Lễ hội và Lễ kỷ niệm và hội thảo về cây cam của huyện. Các hoạt động tại Hội chợ còn tổ chức cho đại diện nông dân các huyện, thành phố của tỉnh và một số tỉnh bạn đến thăm quan, học tập kinh nghiệm; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ vào các buổi tối. Tại Lễ hội còn có hoạt động bình chọn vườn cam có năng suất, chất lượng tốt; Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) trao quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho các hộ dân sản xuất cam. Ngoài ra, du khách có thể nếm cam, tham quan vườn cam mẫu, khu quần thể hang động núi Đầu Rồng…  

Đồng chí Phạm Văn Thụy, Phó trưởng Tiểu ban nội dung Lễ hội và Hội chợ, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cao Phong khẳng định: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội và Hội chợ đã đảm bảo tiến độ đề ra. Trong tháng 9 đã hoàn thành thành lập Ban tổ chức Lễ hội và Hội chợ; phê duyệt kế hoạch, chương trình tổ chức; họp BTC, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; thiết kế in ấn tờ gấp, thư mời và các tài liệu phục vụ; gửi thư mời đến các tỉnh, thành, doanh nghiệp, doanh nhân. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia; xây dựng kịch bản chi tiết; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và quảng cáo. Trong tháng 10 và tháng 11, Ban tổ chức tập trung chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ Lễ hội và Hội chợ; treo băng rôn, khẩu hiệu; tăng cường tuyên truyền trên báo, PT-TH cổ động về Lễ hội và Hội chợ; tổ chức Lễ khai mạc và các hoạt động trong Lễ hội và Hội chợ và bế mạc, khen thưởng. Các nội dung này đã được phân công nhiệm vụ chi tiết cho các thành viên để tổ chức thực hiện hiệu quả góp phần làm nên thành công của Lễ hội và Hội chợ năm 2016.

Bình luận của bạn