Nhiều doanh nghiệp hái "quả ngọt" sau Hội nghị Giao thương kết nối cung-cầu hàng hóa 2018
Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, tại Hội nghị “Giao thương kết nối cung-cầu hàng hóa giữa TP.Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2018” trong khuôn khổ Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam và triển lãm Mỗi làng một sản phẩm - OVOP 2018, đã có gần 450 biên bản ký kết được trao tại hội trường và tại các bàn giao dịch. Dự kiến tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh, thành phố về địa bàn Thành phố trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đạt gần 27.500 tỷ đồng, tăng 7 % so với năm 2017. Đặc biệt hàng hóa dự kiến ký kết cho cả năm 2019 khoảng gần 110.000 tỷ đồng (chiếm khoảng trên 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn Thành phố).
Đặc sản vùng miền Việt Nam “khoe hàng”
Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam là sự kiện thường niên, sau bốn năm tổ chức, Hội chợ đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản, kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối. Do vậy, năm 2018 có gần 400 gian hàng các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, ngoài ra, Hội chợ năm 2018 còn kết hợp với Triển lãm mỗi làng một sản phẩm – OVOP quy tụ gần 100 gian hàng của trên 25 làng nghề tiêu biểu của Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó GĐ Trung tâm Xúc tiến ĐT, TM, DL TP. Hà Nội (HPA) thì, hiện nay, nông sản Việt đang được thế giới ưa chuộng và làm nức lòng người tiêu dùng trên toàn cầu, kể cả đối với những thị trường khó tính như châu Âu và châu Mỹ . Theo thống kê của Tổng Cục Hải Quan, đến hết quý II/2018, Việt nam đã có hơn 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Những mặt hàng đặc sản vùng miền đồng thời là những mặt hàng nông sản của Việt Nam có mặt ở hội chợ đặc sản vùng miền gồm gạo, tôm, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều… với tên tuổi của Gạo Hoa sữa, gạo sán cù, gạo rươi…đến từ nhiều tỉnh thành như Cà Mau, Lào Cai…. Các sản phẩm tôm trứ danh của đồng bằng Sông Cửu Long cũng được giới thiệu như tôm khô Cà Mau. Chè là mặt hàng rất phổ biến tại hội chợ với tên tuổi của Chè Thái nguyên, chè san tuyết Tà Xùa, Suối Giàng, Phìn Hồ…
Sản phẩm Cà Phê từ cà phê Arabica của Lâm Đồng đến cà phê Robusta của Đắk Lắk với các chứng nhận chất lượng từ Châu Âu, chứng nhận thương mại công bằng được giới thiệu rộng rãi… Không thể không nói tới các sản phẩm chủ lực khác như Hạt tiêu sọ Phú Quốc, tiêu Tiên Phước, hạt điều rang Bình Phước, Thanh long Bình Thuận… Thủ công mỹ nghệ: gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre Phú Vinh, thêu Quất Động... đem lại niềm tự hào cho người tiêu dùng về tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm đặc sản của Việt Nam, đồng thời cũng nâng cao nhận thức về trách nhiệm của người tiêu dùng, của doanh nghiệp để duy trì và phát triển uy tín, thương hiệu các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của quốc gia.
Đặc biệt, các sản phẩm được trưng bày tại hội chợ đều được đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, đa dạng và phong phú về chủng loại, là các đặc sản đặc trưng cho các vùng miền Việt Nam, có đầy đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn mác rõ ràng…
“Chính vì vậy đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của hệ thống các nhà phân phối của thủ đô”, bà Mai Anh nhấn mạnh.
Cơ hội giao thương kết nối cung – cầu
Theo đánh giá của các chuyên gia, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam luôn là hội chợ có số lượng khách đến thăm quan và giao dịch đông kỷ lục. Chỉ tính riêng năm 2017, Hội chợ đã đón nhận 15,000 lượt khách tham quan và giao dịch, trong đó không chỉ doanh nghiệp, người tiêu dùng Thủ đô và toàn quốc mà còn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngoài ra, hội chợ đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản với người tiêu dùng Hà Nội cũng như tham gia chuỗi cung ứng – tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, TGĐ Công ty MTV Phạm Nghĩa T&N (Cần Thơ) chia sẻ, qua bốn lần tham gia Hội chợ, Công ty có thêm nhiều bạn hàng, kết nối được với các nhà phân phối trong và ngoài nước.
“Tham gia Hội chợ lần này chúng tôi thấy chất lượng hội chợ càng ngày càng được cải thiện, số lượng doanh nghiệp, nhà phân phối tham gia nhiều. Đặc biệt, trong khuôn khổ hội chợ có hội nghị giao thương kết nối cung cầu sẽ là cơ hội giúp chúng tôi có thêm các bạn hàng, đối tác phân phối để chúng tôi có thể đưa sản phẩm tốt nhất của công ty đến với người tiêu dùng Thủ đô cũng như xuất khẩu”, ông Nghĩa cho biết.
Cùng với quan điểm trên, bà Nguyễn Thu Hương, GĐ Công ty Đổi mới sáng tạo nông nghiệp Việt Nam, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đặc sản của đồng bào dân tộc hồ hởi: "Qua hội chơ, Công ty đã kết nối được với gần 30 đại lý phân phối ở Hà Nội. Công ty cũng đã thiết lập được một mạng lưới các khách hàng tiêu dùng thường xuyên các sản phẩm của các nhóm sản xuất".
“Chúng tôi mong muốn hội chợ được tổ chức thường xuyên hơn trong năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và bà con tiêu thụ sản phẩm của mình…” bà Hương nói.
Với mong muốn người Việt dùng hàng Việt, ông Trần Văn Tường, Phụ trách bán hàng Công ty TNHH Thương mại Thủ công Mỹ nghệ Vinahorn Xuân Huy bày tỏ: "Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm trang sức, đồ dùng bằng chất liệu sừng nhập khẩu từ Châu Phi. Hiện thị phần của Xuân Huy chủ yếu là xuất khẩu Châu Âu, Châu Á… Tuy nhiên, sản phẩm công ty chưa được người Việt biết đến nhiều. Vì vậy, Công ty tham gia hội chợ mong muốn được người tiêu dùng trong nước biết đến. Ngoài ra, công ty cũng mong muốn được kết nối nhà phân phối để mở rộng thị trường trong nước."
Là Tham tán thương mại Pakistan tại Việt Nam, ông Sumair Mustansar Tarar nhìn nhận, 3 doanh nghiệp Pakistan đã tham gia Hội chợ đặc sản vùng miền và đạt được những kết quả rất tốt.
“Chúng tôi không chỉ có những bạn hàng mới mà còn giới thiệu được các đặc sản, giới thiệu được văn hóa của Pakistan đến với Việt Nam. Pakistan cũng có rất nhiều các đặc sản và chúng tôi mong muốn được giới thiệu các đặc sản này trong các hội chợ đặc sản vùng miền tiếp theo” ông Sumair Mustansar Tarar khẳng định.
Đại diện HPA cho rằng, đến nay đã có hàng nghìn các giao dịch giữa các doanh nghiệp tham gia hội chợ với các đơn vị phân phối, chưa tính đến các sản phẩm đặc sản vùng miền đã được đưa vào hệ thống phân phối và bán lẻ của thủ đô, góp phần tích cực vào chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Đảng và nhà nước.
Mối quan tâm của các nhà phân phối các sản phẩm vùng miền ngày càng tăng, có thể thấy các đặc sản vùng miền của Việt Nam trong chuỗi siêu thị của Vinmart, Big C, Aeon, Lotte… Nhiều hệ thống bán lẻ lớn như Aeon còn cử những đoàn công tác lớn đến với hội chợ để tìm kiếm sản phẩm mới đưa vào chuỗi cung ứng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Nhật Bản….