Phiên chợ Xanh - Tử tế độc đáo giữa Sài Gòn
Người tiêu dùng muốn mua rau sạch, gạo sạch hoặc cần sự minh bạch về nguồn gốc nông sản và kết nối trực tiếp với người sản xuất, có thể đến phiên chợ Xanh – Tử tế vào thứ 7 và Chủ nhật tuần thứ nhất và thứ 3 mỗi tháng tại 163 Pasteur, phường 6, Quận 3, TPHCM.
Một gian hàng rau hữu cơ tại phiên chợ. Ảnh: Đức Tâm
Địa chỉ này chính là trụ sở của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), đơn vị xây dựng chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn suốt 20 năm nay.
Cung-cầu kết nối bằng lòng tin cậy
Đói ăn rau, đau uống thuốc. Từ lâu rau đã hiện diện trong mỗi bữa cơm của người Việt nhưng ngày nay để người tiêu dùng yên tâm có được đĩa rau sạch đôi khi lại rất khó khăn; muốn mua nhiều khi chẳng biết mua ở đâu cho yên tâm. Ngược lại, những người trồng rau sạch tử tế lại không biết tìm khách hàng ở đâu. Cung và cầu chẳng gặp và phiên chợ Xanh – Tử tế do BSA tổ chức để giải quyết bài toán kết nối cung cầu, để giúp người trồng rau, hay rộng ra là những người nông dân làm ra nông sản, có thể sống tử tế với nghề và người tiêu dùng có thể yên tâm lo bữa cơm cho gia đình.
Khoảng 8 giờ sáng thứ 7 ngày 7-5, phiên chợ lần 2 (lần đầu được tổ chức ngày 23 và 24-4) đã có đông khách đến mua sắm; trẻ có, trung niên có, lớn tuổi có, nữ có rất nhiều – điều hiển nhiên, mà nam cũng có không ít – điều ngạc nhiên. Trong đó, rất nhiều khách hàng mua hẳn một lượng rau để dùng cho cả tuần.
- Làm sao cô biết rau này có phải hữu cơ hay không? Tôi hỏi một người phụ nữ lớn tuổi đang đứng trước gian hàng rau hữu cơ được các nông dân từ Bến Tre mang lên.
- Nói biết thì không hẳn nhưng cô tin.
- Sao cô lại tin?
- Cô biết BSA và những con người trong tổ chức này từ lâu. Một phiên chợ do BSA thực hiện luôn đáng tin. Thêm nữa, dự án rau hữu cơ Bến Tre do một chị người Nhật hỗ trợ đi cùng nên càng thêm tin tưởng. Nhưng điều quan trọng nhất, như cháu thấy đấy, tất cả sản phẩm rau Bến Tre đều được gói trong bao bì thể hiện rõ thông tin về sản phẩm, về Nhóm phụ trách, tên và số điện thoại của nhóm trưởng; tên và số điện thoại của người nông dân sản xuất.
Và anh nông dân đó đang đứng ngay tại gian hàng này chào bán sản phẩm của mình, giải đáp mọi thắc mắc của người tiêu dùng. Nếu người không có tâm huyết và không tin tưởng tuyệt đối vào sản phẩm của mình, họ sẽ không làm như vậy.
Trong mắt vị khách hàng trong câu chuyện kể trên, BSA – đơn vị tổ chức phiên chợ - giống như bộ lọc thứ nhất; uy tín của người Nhật như bộ lọc thứ hai và thông tin minh bạch cùng sự hiện diện của người trồng như bộ lọc thứ ba. Ba bộ lọc cho một niềm tin. Gẫm, niềm tin của vị khách không hẳn không có cơ sở.
Quy trình và tiêu chuẩn canh tác hữu cơ
Tuy nhiên với những người hoài nghi hoặc mạnh về lý tính, có thể sự hiểu thêm về qui trình và tiêu chuẩn canh tác rau hữu cơ sẽ là điều cần thiết.
Vậy cụ thể như thế nào? Đem thắc mắc này trao đổi cùng chị Mayu Ino, người phụ trách dự án phi chính phủ Từ hạt giống đến bàn ăn (Seed to table) của Nhật Bản, đơn vị tài trợ dự án nông nghiệp hữu cơ tại Bến Tre, chị Mayu cho biết, để có thể tham gia sản xuất rau hữu cơ, điều kiện tiên quyết là nguồn nước và đất canh tác phải đảm bảo an toàn, không nhiễm các kim loại nặng vượt ngưỡng cho phép. Với đất, hàm lượng của 5 kim loại nặng là đồng, kẽm, chì, cadimi (Cd) và asen – hay còn gọi là thạch tín, sẽ được xét nghiệm kiểm tra; với nước, các chất được quan tâm xét nghiệm bao gồm chì, cadimi, asen và thủy ngân.
Sau khi đáp ứng được điều kiện tiên quyết, nông dân sẽ tiến hành chuẩn bị canh tác trong khoảng 6 tháng, bao gồm: làm đất, ủ phân, trồng vùng đệm, tham dự các lớp tập huấn…. Khi mọi thứ sẵn sàng, rau sẽ được trồng theo phương pháp canh tác hữu cơ, không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không dùng giống cây trồng biến đổi gen. Và trong khoảng thời gian 6 tháng từ lúc bắt đầu trồng, đây được gọi là giai đoạn chuyển đổi hữu cơ để các chất hóa học còn tồn dư trong đất canh tác trước đó mất đi. Từ tháng thứ 7 tính từ lúc trồng rau, nếu nhóm canh tác tuân thủ tốt các tiêu chuẩn đề ra thì sẽ được cấp chứng nhận hữu cơ PGS (Participatory Guarantee System - Hệ thống bảo đảm cùng tham gia).
Lưu ý rằng PGS được cấp cho một nhóm các hộ nông dân chứ không cấp riêng lẻ cho từng hộ, mục đích giúp các hộ kiểm tra chéo lẫn nhau. Đây là một phần trong tổng quan hệ thống đảm bảo các bên cùng tham gia. Để tìm hiểu về PGS, độc giả có thể xem thêm tại đây.
Mong phiên chợ tổ chức nhiều hơn, rộng hơn
Quay lại với câu chuyện với vị khách hàng nêu trên, ngỡ tôi là một người trong ban tổ chức, khi ra về, vị khách nhắn nhủ, hãy cố gắng tổ chức phiên chợ này nhiều hơn nữa – ít nhất mỗi tháng 4 lần, trong một không gian rộng hơn và làm truyền thông mạnh hơn để thật nhiều người tiêu dùng biết đến.
Với ban tổ chức và người sản xuất, lời nhắn trên rất có giá trị động viên rất lớn. Và may mắn, người viết được nghe rất nhiều những lời nhắn nhủ tương tự như vậy. Về mặt này, trong một khía cạnh nào đó, có thể không quá khi nói phiên chợ như một mảnh đất nơi những hạt giống tử tế được ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển.
Dĩ nhiên, phiên chợ không chỉ có mỗi rau, đến đây, khách hàng có thể tìm mua được nhiều nông sản và sản phẩm chế biến từ nông sản nổi tiếng khác như gạo Long Châu 66 từ doanh nghiệp Cỏ May, nước mắm rươi Long Vinh từ Trà Vinh, nấm Ngọc Thạch từ trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đặc sản từ nhiều làng nghề truyền thống khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long…