Tối nay 10.4, khai mạc Hội chợ NDXS: Chung tay vì nông sản Việt

Lần đầu tiên, một hội chợ triển lãm những thành quả, cống hiến của nông dân Việt Nam xuất sắc được tổ chức. Những sản phẩm điển hình do nông dân làm ra, mang tên nông dân được đưa đến trong ngày hội dành cho chính họ...

Hội chợ và triển lãm “Thành tích nông dân xuất sắc thời hội nhập – Nông nghiệp đô thị và giao thương kinh tế vùng Đông Nam Bộ 2017” (tổ chức tại công viên Lê Văn Tám, quận 1, TP.HCM từ ngày 10 - 16.4) là chuỗi sự kiện tiếp nối cho 4 năm thành công của Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam diễn ra liên tục từ năm 2013 đến nay.

Khẩn trương cho ngày gặp mặt

Cuối năm 2016, những nông dân xuất sắc nhất cả nước đã cùng tề tựu về Hà Nội trong ngày lễ vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc. Khi được thông báo việc tổ chức hội chợ, anh Trần Anh Tùng - Nông dân xuất sắc tỉnh Đồng Nai năm 2016 với mô hình sầu riêng VietGAP không giấu sự hồ hởi: “Được gặp lại những gương mặt xuất sắc và thân quen đã là niềm vui lớn rồi”.

Tự tin với phong cách “ngồi rung đùi… làm vườn”, Trần Anh Tùng là một trong những nông dân điển hình trong việc tìm tòi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai. Chiếc máy phun thuốc đa năng tự chế và mô hình sầu riêng VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao là thành quả của anh được nhiều người biết đến.

Đại diện cho nông dân xuất sắc năm 2015- “vua” thanh long ruột đỏ Đoàn Trung Ngọc (Đồng Nai) kể những ngày cận kề hội chợ, ông còn đang tất bật vì lịch làm việc với các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu. Những cơn mưa trái mùa liên tiếp trút xuống đầu tháng 4 càng khiến việc phòng trừ nấm bệnh thêm bề bộn. Nhưng đích thân ông Ngọc vẫn tận tay chuẩn bị từng sản phẩm sạch, đẹp mang đến hội chợ triển lãm.

“Tham gia hội chợ triển lãm dành cho nông dân giỏi ngay tại TP.HCM là một vinh dự lớn. Tôi muốn giới thiệu đến người dùng những sản phẩm đã làm nên niềm hãnh diện không chỉ của riêng mình mà còn của bà con cả huyện Trảng Bom, Đồng Nai quê tôi” - ông Ngọc nói.

Ở gian hàng kế bên, chị Nguyễn Thị Hiếu - chủ trại nấm linh chi Đất Thép (TP.HCM) cho biết sản phẩm trôi nổi trên thị trường rất nhiều nhưng không phải ai cũng phân biệt được. “Cơ hội được giao lưu cùng nông dân giỏi cả nước sẽ tiếp thêm tự tin cho những người luôn nỗ lực vì sản phẩm sạch như chúng tôi”- chị Hiếu tâm sự.

Cần sự chung tay vì nông sản Việt

Vì lý do sức khỏe, bà Trần Ngọc Tuyết - nông dân xuất sắc của TP.HCM với cây lan mokara tiếc nuối không thể góp mặt trong ngày hội. Bà tiếc nuối “vì đây là cơ hội để nông dân giỏi giới thiệu sản phẩm và tìm tiếng nói chung”.

Bà Tuyết kể đang có rất nhiều ý tưởng xây dựng hình ảnh hoa lan làm đại diện cho vùng đất thép Củ Chi. Diện tích nông nghiệp ngày càng thu hẹp, việc áp dụng công nghệ để mang lại hiệu quả cao là cần thiết. Nhưng so với nhiều nước trong khu vực, nông dân trồng lan ở Củ Chi vẫn “tự bơi” là chính.

“Những hạn chế trong sản xuất, tiêu thụ, chất lượng giống… đòi hỏi tính liên kết phải phải chặt chẽ hơn từ nhiều phía để đưa nông nghiệp đi lên vững mạnh” - bà Tuyết nhắn nhủ.

Đồng tình quan điểm này, ông Đoàn Trung Ngọc kể thị trường trong nước của trái thanh long chưa ổn định, thị trường Trung Quốc rộng lớn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nông dân cần được cơ quan chức năng hỗ trợ nhiều hơn để đầu ra ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai là một trong những địa phương có nông sản bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết thất thường và khủng hoảng đầu ra. Theo anh Tùng, nông dân Việt không thua kém ai, nhưng không có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin và các mô hình nông nghiệp tiên tiến.

“Đã gọi là cùng liên kết để phát triển nông nghiệp, nông thôn thì không chỉ nông dân mà cán bộ, chính sách cũng phải đổi mới và kịp thời” - anh Tùng nhấn mạnh.

Ông Đặng Tường Khanh - Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức (Đồng Nai) cho rằng mấu chốt để ngành nông nghiệp phát triển là phải giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm trong mô hình liên kết chuỗi, trên quy mô cánh đồng lớn, và doanh nghiệp là hạt nhân đi đầu.

“Hiện công ty đang bán với giá 4.000 USD/tấn hạt ca cao, dù mỗi năm chỉ cần xuất khẩu 500kg. Thông qua phát triển cánh đồng lớn, có kiểm soát kỹ, Trọng Đức vẫn duy trì được giá bán cao từ đo giúp cho giá thu mua cho nông dân cũng tốt hơn” - ông Khanh chia sẻ. 

Bình luận của bạn