Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam sẽ diễn ra vào năm 2018
Dự kiến VietShrimp 2018 sẽ diễn ra từ ngày 27-29/4/2018, tại thành phố Bạc Liêu, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” tôm của cả nước.
Ngày 16/8, tại Bạc Liêu, Hội Nghề cá Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam tổ chức họp báo Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ II năm 2018 “VietShrimp 2018” với chủ đề "Đổi mới để thành công".
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức VietShrimp 2018 cho biết, tiếp nối thành công của VietShrimp 2016, góp phần đưa ngành tôm Việt Nam gần hơn với mục tiêu 10 tỷ USD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Hội Nghề cá Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam tiếp tục triển khai Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ II năm 2018 “VietShrimp 2018” với chủ đề “Đổi mới để thành công”.
Dự kiến VietShrimp 2018 sẽ diễn ra từ ngày 27-29/4/2018, tại thành phố Bạc Liêu, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” tôm của cả nước.
Theo đó, VietShrimp 2018 sẽ diễn ra hai hoạt động chính, gồm: huy động hơn 200 gian hàng tham gia triển lãm của các đơn vị trong nước, quốc tế với nhiều lĩnh vực như: con giống, thức ăn, dinh dưỡng, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, thiết bị máy móc, dịch vụ, hậu cần… của ngành tôm nói riêng và thủy sản nói chung; Các phiên hội thảo cung cấp nhiều thông tin, kiến thức, kỹ thuật, giải pháp công nghệ… mà ngay chính tại Việt Nam và thế giới đang đón đầu.
Theo Ban tổ chức, VietShrimp 2018 không chỉ là nơi để doanh nghiệp gần hơn với khách hàng, quảng bá được sản phẩm; người nuôi được trải nghiệm những sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, tìm ra định hướng để vượt qua khó khăn về môi trường, dịch bệnh, con giống, thức ăn…; mà còn có ý nghĩa to lớn đối với các nhà khoa học nhìn nhận lại sản phẩm dưới tác động của khoa học - công nghệ, kỹ thuật tạo ra.
Trong những năm qua, thủy sản luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng gần 50%.
Vốn là nước có “lợi thế tuyệt đối về nuôi tôm trên thế giới”, Việt Nam có những ưu thế nhất định để trở thành "thủ phủ ngành tôm của thế giới.
Đặc biệt, năm 2017 ngành tôm Việt Nam đã có bước đột phá lớn khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ Chương trình hành động phát triển ngành tôm Việt Nam, nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hộ nuôi, các nhà sản xuất đạt mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu tôm trước năm 2025.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ban, ngành liên quan…, bản thân ngành tôm cũng cần một sự đổi mới toàn diện, điều này cần sự chung tay, quyết tâm lớn từ các cấp, các ngành, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi...