Từ ngày 21 - 25/11: Đặc sản vùng miền quy tụ về Hà Nội

Với quy mô trên 400 gian hàng, hội chợ sẽ giới thiệu các sản phẩm đặc sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng được chọn lọc của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.

Rộn ràng không khí mua sắm tại hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam lần thứ 4 (2017)

Giới thiệu và quảng bá thương hiệu nông sản Việt

Ở thời điểm hiện tại, nông sản Việt đang được thế giới ưa chuộng và làm nức lòng người tiêu dùng trên toàn cầu, kể cả đối với những thị trường khó tính như châu Âu và châu Mỹ. Theo thống kê của Tổng Cục Hải Quan, đến hết quý II/2018, Việt Nam đã có hơn 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu (XK) chủ lực, có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Và những mặt hàng đặc sản vùng miền, đồng thời là những mặt hàng nông sản của Việt Nam này sẽ có mặt ở hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2018.

Theo đó, đối với sản phẩm gạo sẽ góp mặt bởi các tên tuổi như: gạo hoa sữa, gạo sán cù, gạo rươi… đến từ nhiều tỉnh thành như Cà Mau, Lào Cai….

Các sản phẩm tôm trứ danh của đồng bằng sông Cửu Long cũng được giới thiệu như tôm khô Cà Mau. Chè là mặt hàng rất phổ biến tại hội chợ với tên tuổi như: Chè Thái nguyên, chè san tuyết Tà Xùa, Suối Giàng, Phìn Hồ…

Sản phẩm cà phê từ cà phê Arabica của Lâm Đồng đến cà phê Robusta của Đắc Lắc với các chứng nhận chất lượng từ châu Âu, chứng nhận thương mại công bằng được giới thiệu rộng rãi…

Điểm nhấn của hội chợ, không thể không nói tới các sản phẩm chủ lực khác như hạt tiêu sọ Phú Quốc, tiêu Tiên Phước, hạt điều rang Bình Phước, thanh long Bình Thuận….

Bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP Hà Nội - cho biết: Tính đến tháng 3/2018, Việt Nam đã bảo hộ 66 chỉ dẫn địa lý với khoảng 1.000 sản vật, trong đó có 60 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Và tại hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2018, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với các phẩm chỉ dẫn địa lý, được đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.

Tiêu biểu có thể kể tới nước mắm Phú Quốc, đặc trưng với màu cánh gián đậm, trong tinh khiết, mùi thơm nhẹ, không tanh nhờ sản xuất từ cá tươi, với vị mặn, ngọt đậm kèm vị béo tự nhiên của đạm và mỡ cá. Hay gạo Điện Biên với hạt gạo trắng đục, sáng bóng, khi nấu cơm có mùi thơm nhẹ, vị đậm, mềm và dẻo; chè Shan Tuyết với vị thơm đặc trưng, không chát xít và rõ ngọt hậu nhờ được chế biến từ búp chè tươi 1 tôm 2 lá non. Ngoài ra, các sản phẩm như chè Tân Cương, sâm Ngọc Linh, chả mực Hạ Long, chè Thái Nguyên, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn... cũng sẽ giới thiệu tới người tiêu dùng tại hội chợ.

Một trong những điểm mới của hội chợ đặc sản vùng miền năm nay đó là kết hợp với Triển lãm mỗi làng một sản phẩm (OVOP) quy tụ gần 100 gian hàng của hơn 20 làng nghề tiêu biểu của thành phố. Không gian trưng bày mang đậm giá trị văn hóa và nghệ thuật của các vùng miền, làng nghề.

“Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2018 sẽ góp phần giới thiệu và quảng bá các sản phẩm cũng như hình ảnh chỉ dẫn địa lý Việt Nam tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, bà Nguyễn Thị Mai Anh – kỳ vọng.

Hội chợ Đặc sản Vùng miền năm 2016 thu hút đông đảo người tiêu dùng Thủ đô thăm quan mua hàng

Phấn đấu trở thành một hội chợ XK vào năm 2022

Thực tế cho thấy, sau 4 năm tổ chức thành công (từ năm 2014-2017), Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam đã trở thành sự kiện xúc tiến thương mại thực sự có uy tín cao, góp phần hỗ trợ các DN và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản với người tiêu dùng Hà Nội cũng như tham gia chuỗi cung ứng – tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ XK.

Nếu như năm 2014 Ban tổ chức phải giới thiệu, kêu gọi các DN tham gia, quy mô còn khá khiêm tốn chỉ 120 gian hàng, thì 2 năm trở lại đây, nhất là năm 2018, Hội chợ đã thu hút được hơn 400 gian hàng với sự tham gia. Sở dĩ quy mô năm nay lớn hơn năm trước là do các cơ sở sản xuất, các DN ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc quảng bá giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện kết nối với giao thương tiêu thụ với các nhà phân phối và người tiêu dùng nên đã tự nguyện tham gia...

Tổng Giám đốc Công ty MTV Phạm Nghĩa T&N (Cần Thơ) ông Phạm Trọng Nghĩa – cho hay: Đơn vị chúng tôi đã bốn lần tham gia Hội chợ, chúng tôi thấy chất lượng hội chợ càng ngày càng được cải thiện và chúng tôi cũng có ngày càng nhiều khách hàng mới hơn. Thông qua hội chợ, công ty đã tìm được các nhà phân phối lớn nhằm đưa sản phẩm tốt nhất của công ty đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đặc sản của đồng bào dân tộc, bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc công ty đổi mới sáng tạo nông nghiệp Việt Nam – cho hay: Thông qua hội chợ đặc sản vùng miền, chúng tôi đã kết nối được với gần 30 đại lý phân phối ở Hà Nội. Chúng tôi cũng đã thiết lập được một mạng lưới các khách hàng tiêu dùng thường xuyên các sản phẩm của các nhóm sản xuất. Chúng tôi mong muốn hội chợ được tổ chức thường xuyên hơn trong năm để tạo điều kiện cho DN và bà con tiêu thụ sản phẩm của mình…

Chia sẻ về định hướng phát triển Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam trong những năm tới, bà Mai Anh cho hay, hội chợ sẽ được tổ chức theo hướng đáp ứng về chất lượng sản phẩm, gia tăng về giá trị, đảm bảo các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phấn đấu trở thành một hội chợ XK vào năm 2022. 

Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ rà soát đánh giá thực trạng các sản phẩm tiềm năng để có các biện pháp tư vấn, hỗ trợ tại mỗi địa phương. Cạnh đó, sẽ phối kết hợp với các bộ, sở ban ngành của các địa phương đầu tư phát triển sản phẩm mẫu, bao bì, nhãn mác, công bố chất lượng sản phẩm.... Lựa chọn những sản phẩm chiến lược trong mỗi nhóm sản phẩm (thực phẩm, đồ uống..). Nghiên cứu và phát triển chiến lược thị trường cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm để mời khách nhập khẩu vào thăm quan và giao dịch. Trước mắt ưu tiên lựa chọn những sản phẩm đã có công bố chất lượng, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm mới được phát triển từ lợi thế của các địa phương, tiếp đến là các sản phẩm của các DN khởi nghiệp.

Kỳ vọng đến 2022, Hội chợ sẽ có 700 gian hàng với sự tham gia của 300 DN XK trong và ngoài nước và hơn 2.000 nhà nhập khẩu và 20.000 lượt khách Việt Nam đến tham quan và giao dịch.

Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam luôn là Hội chợ có số lượng khách đến thăm quan và giao dịch đông kỷ lục. Năm 2017, Hội chợ đã đón nhận 15.000 lượt khách tham quan và giao dịch, trong đó không chỉ DN, người tiêu dùng Thủ đô và toàn quốc mà còn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Người tiêu dùng thủ đô đánh giá rất cao cách tổ chức cũng như các sản phẩm tại Hội chợ.
Bình luận của bạn