Xây dựng chuỗi liên kết nâng tầm nông sản Việt Nam

Sáng nay( 1/12) tại Bến Tre đã diễn ra hội thảo “ Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy Bến Tre và Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp tổ chức, dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Trong bối cảnh tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp để chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững và hiệu quả thì việc xây dựng và phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn và cần có giải pháp cụ thể để thực thi.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị lãnh đạo các ngành, chính quyền địa phương, các học giả tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính yếu, phù hợp thực tiễn và mang tính khả thi cao. Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ở nước ta hiện nay đã có rất nhiều mô hình tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp; mỗi địa phương, ngành, lĩnh vực đều có những thành công, hạn chế nhất định. Vì vậy cần tìm ra những hạn chế để khắc phục, những mặt tốt của các mô hình liên kết sản xuất hiệu qủa để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Các nhà hoạch định chính sách thuộc các bộ ngành, chính quyền địa phương cần đối thoại thẳng thắn, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân để tháo gỡ khó khăn, tìm cơ chế để hỗ trợ hiệu quả cho việc phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Các chính sách về nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện đã có nhiều nhưng còn phù hợp không, cần điều chỉnh những gì để hoàn thiện chính sách, pháp luật góp phần đưa nông nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo, ngành nông nghiệp của tỉnh Bến Tre cũng như của cả nước hiện nay vẫn là sản xuất cá thể, nhỏ lẻ, tình trạng trúng mùa mất giá thường xuyên xẩy ra. Nông dân sản xuất ra hàng hóa nhưng khâu tiêu thụ, giá cả thì phụ thuộc rất lớn vào thương lái. Mặt khác việc ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn ở quy mô nhỏ, dẫn đến hiệu qủa kinh tế thấp. Trong chuỗi sản xuất của ngành nông nghiệp, vai trò của nhà nước còn mờ nhạt trong mối liên kết 4 nhà; các mô hình sản xuất mới chỉ là bước đi chập chững ban đầu và phát triển ở mức nông cạn.

Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN - PTNN nhìn nhận, hoạt động sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp ngày càng phát triển nhưng gần đây nền nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, chất lượng nông sản thấp, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ông Doanh chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên là do sau những thành công đổi mới thể chế kinh tế và cơ chế quản lý trong nông nghiệp ở thập kỷ 90 và những năm 2000, hiện ngành nông nghiệp đang gặp phải những thách thức lớn, thậm chí là rào cản cho sự phát triển do cơ chế chính sách chậm đổi mới.

Các đại diện hợp tác xã và nông dân sản xuất giỏi tham dự hội thảo cũng nêu những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp còn mang tính cố hữu như trúng mùa nhưng không trúng giá; khó khăn về đầu ra; thiếu thông tin thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, sản xuất cây hoặc con gì có năng suất cao mà không bị thương lái ép giá…Những khó khăn này cần sớm được giải tỏa để nhà nông an tâm làm ăn.

Các học giả tham gia hội thảo cho rằng, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn chậm phát triển là nguyên nhân làm cho người trồng tỉa không thu được lợi nhuận, thậm chí là “mất mùa” dù mùa vụ thu hoạch đạt sản lượng cao.

Nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp muốn có giá trị cao buộc phải xuất khẩu, trong khi nông dân hay hợp tác xã nhỏ lẻ không đủ lực để làm nên chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế. Do đó rất cần sự liên kết giữa các nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông phẩm một cách chuyên nghiệp thì mới giải quyết được bài toán khó khăn của ngành nông nghiệp và từng bước đưa nông sản của Việt Nam ra thị trường các nước.

Bình luận của bạn