AVR - Cầu nối thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm trong nước
Chiều 12/12, tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã tổ chức Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2017 với chủ đề “10 năm phát triển thị trường bán lẻ và thách thức của tương lai”.
Nhằm đánh dấu chặng đường 10 năm hình thành và phát triển, chiều 12/12, tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã tổ chức Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2017 với chủ đề “10 năm phát triển thị trường bán lẻ và thách thức của tương lai”.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch AVR cho biết: Năm 2017 đánh dấu chặng đường 10 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và cũng là chặng đường 10 năm Việt Nam gia nhập WTO.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung có nhiều biến động như suy thoái và khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như rất nhiều khó khăn của thị trường trong nước.
Tuy nhiên, Hiệp hội đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ góp phần xây dựng ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện đại, hội nhập và hướng tới người tiêu dùng, khẳng định vị trí của ngành phân phối bán lẻ trong nền kinh tế quốc dân cũng như vai trò cầu nối hữu hiệu giữa sản xuất với tiêu dùng, triển khai tích cực và có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Ông Hoàng Anh Tuấn-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Sự ra đời của AVR được xem là chỗ dựa vững chắc cho các nhà bán lẻ trong nước mà thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ đang cận kề.
Trong thời gian 10 năm kể từ khi thành lập đến nay, AVR đã có hơn 216 hội viên (so với 100 hội viên khi mới thành lập), bao gồm doanh nghiệp, cá nhân là các nhà bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thuộc các ngành hàng, lĩnh vực liên quan trên hầu khắp các tỉnh, thành phố của cả nước.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, AVR đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các thành viên Hiệp hội với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như tham gia xây dựng, tư vấn và phản biện về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bán lẻ; trao đổi, giải quyết một số vấn đề vướng mắc kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách quản lý doanh nghiệp bán lẻ FDI theo cam kết hội nhập và phát triển bán lẻ trong nước.
Ngoài ra, với vai trò là thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước, AVR đã thực hiện tốt vai trò chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tham gia xử lý các biến động nhằm bình ổn thị trường.
Đặc biệt, tích cực hưởng ứng tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức thành công tọa đàm “Vì sao hàng Việt chưa được ưu tiên kinh doanh tại chợ truyền thống” và Hội thảo “Hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại”…
Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết: Năm 2017 Việt Nam xếp vị trí thứ 6 và nằm trong top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới.
Tại báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) được công bố bởi Công ty tư vấn A.T Kearney (Hoa Kỳ), thị trường bán lẻ Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà bán lẻ ngoại.
Một loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp…đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu cũng cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều lí do hấp dẫn các nhà bán lẻ ngoại; trong đó Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người với dân số trẻ là những yếu tố chính thu hút các nhà bán lẻ đầu tư và thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh mẽ.
Qua đó, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn, đang tạo ra những cơ hội, thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nước.
Đây là thời cơ để các nhà bán lẻ Việt Nam, các thành viên của Hiệp hội đưa ra những chiến lược đúng đắn, đáp ứng được nhu cầu thị trường để giành thị phần.
Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi AVR phải có những định hướng, kế hoạch mới trong thời gian tới để tham gia đóng góp, giải quyết những vấn đề của ngành bán lẻ và làm tốt vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý với các thành viên, hỗ trợ họ ngày càng phát triển./.