Bùng nổ chợ phiên nông sản
Nuôi được giống heo, giống gà ngon, trồng được đám rau sạch dưới quê… nhiều người rủ nhau đưa về thành phố bán.
Những chợ phiên đặc biệt
Cuối tuần qua, một nhóm người đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông có nguồn hàng là các loại thực phẩm (rau, củ, thịt heo, gà…), được giới thiệu là đáp ứng tiêu chí ngon, sạch... nuôi trồng tự nhiên và không có hóa chất, kháng sinh, hẹn nhau lập một phiên chợ nhỏ. Phiên chợ đặc biệt diễn ra tại quán cà phê của một người trong nhóm.
Người mang đến giỏ trứng gà ta gửi từ quê lên, người đem rau lang, rau muống nhà tự trồng, có người về quê mang vào gà tre Phú Yên cùng những loại cây nhà lá vườn như lá giang, ớt, lá é, bột nghệ… Có người mang theo loại thịt heo ngon có tiếng, hay cá hồi nhập khẩu từ mối quen biết tin tưởng. Hai, ba chục người ngồi đợi cả buổi sáng để được mua hàng, chỉ trong hơn một giờ đồng hồ mọi thứ được bán hết sạch. Mọi người lại hẹn tới phiên sau một vài tuần nữa khi gom đủ hàng hóa.
Ít ngày trước đó, tại Đại học Bách khoa TP.HCM, một hội chợ mini với toàn sản phẩm quê được mở ngay cạnh hội trường lớn, nơi diễn ra hội thảo cộng đồng Cơ hội và thách thức khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm sạch. Các sản phẩm sầu riêng chín cây, gạo ngon sinh học, rau sạch… gây ngạc nhiên cho hàng trăm sinh viên tham gia hội thảo, vì đó vốn là những món từ vườn nhà giờ có thể tạo ra cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp cho họ sau khi ra trường.
Quy mô lớn, bài bản hơn, có chợ phiên nông sản lần IV diễn ra tại Q.Gò Vấp từ ngày 26-30/5, Phiên chợ xanh tử tế… Điểm chung của những phiên chợ này là đa phần người bán tự trồng, tự nuôi sản phẩm sạch và muốn bán trực tiếp cho người mua.
Ngoài ra còn có hình thức chợ phiên online, phân phối sản phẩm “nhà làm”, được giới thiệu từ các vùng quê lên, rau không “ngậm” thuốc, gà heo chỉ cho ăn cơm thừa canh cặn, cá cũng do gia đình đánh bắt, gạo mới từ miền núi chở xuống đảm bảo không tẩm ướp… Những phiên chợ online hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo chị em nhân viên văn phòng không có nhiều thời gian.
Bà Trần Thanh Hà, tư vấn Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Great Việt Nam - thương hiệu rau sạch Vườn của mẹ, nhận định hình thức cung ứng nông sản sạch hiện nay dựa trên cơ sở niềm tin trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan. Tuy nhiên, bà Hà cũng chỉ rõ, hình thức này chỉ suôn sẻ ở giai đoạn đầu với quy mô nhỏ, là giải pháp tình thế, khó có thể trở thành chuỗi thường xuyên liên tục.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit cho rằng, rất nhiều người tiêu dùng hiện có tâm lý nghi ngờ mọi thực phẩm xung quanh, từ chợ đến siêu thị… bất kể sản phẩm đã được chứng nhận an toàn. Đó là hệ quả của một thời gian dài các sản phẩm, thực phẩm bẩn xuất hiện tràn lan. Tình hình xấu đến mức nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm ra thực phẩm theo tiêu chuẩn cao củ a thế giới, được những thị trường khó tính chấp nhận nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn không tin tưởng. Chỉ khi họ thấy sản phẩm của doanh nghiệp Việt ở nước ngoài, mới thay đổi dần cái nhìn đối với sản phẩm sạch.
Buôn bán bằng niềm tin
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp thực phẩm hữu cơ như Organic Đà Lạt, Viễn Phú… có sản phẩm xuất khẩu đến nhiều quốc gia khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu… vẫn than khó để sản phẩm được bán phổ biến tại thị trường nội địa. Ngoài lý do thực phẩm hữu cơ ở thị trường nội địa có giá thành còn quá cao so với thu nhập của số đông người tiêu dùng, ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Organic Đà Lạt cho rằng, không ít người vẫn chưa đặt niềm tin vào sản phẩm mình bỏ tiền mua, bất kể doanh nghiệp có đầy đủ chứng nhận. “Chỉ có thể để người mua trực tiếp đến vườn xem toàn bộ quá trình canh tác, nhưng thử hỏi có mấy người tiêu dùng làm được điều này”, ông Hùng cho hay.
Bà Vũ Kim Anh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp của BSA, một trong những sáng lập viên của Phiên chợ xanh tử tế, cho rằng, người mua có xu hướng tin vào người nuôi trồng trực tiếp ra các sản phẩm đó hơn là vào các chứng nhận mà sản phẩm có. Thế nên, những phiên chợ mà người mua, người bán giao dịch trực tiếp, mọi thắc mắc của người mua được người bán giải thích bao giờ cũng thuyết phục hơn.
Có một thực tế khác là nhiều phiên chợ nông sản quy mô lớn, chẳng hạn chợ phiên nông sản của thành phố với hơn 200 gian hàng, nhiều gian hàng nông sản được chứng nhận sạch, an toàn lại không thu hút người mua bằng nhữ ng phiên chợ tự phát. Tại rất nhiều chợ phiên, đa phần khi được hỏi người bán đều khẳng định mình chưa có bất cứ chứng nhận nào, quy trình nuôi trồng sạch chỉ được cam kết miệng.
Nhưng những phiên chợ này luôn thu hút người mua. Bà Vũ Kim Anh cho hay, dù rất nhiều gian hàng tại hội chợ không có chứng nhận này kia nhưng người bán tại Phiên chợ xanh tử tế đều được câu lạc bộ xuống tận nơi thẩm định chất lượng, đánh giá quy trình canh tác và tin tưởng đưa về chợ.
Cùng quan điểm không coi trọng chứng nhận hình thức, chị Mai Thị Thúy Hằng, chủ cửa hàng trực tuyến Xanhshop, nhiều năm nay liên kết với nông dân nhiều vùng miền để có được nguồn nông sản sạch mà chị gọi là “thuận theo tự nhiên”. Chị Thúy Hằng cho rằng, kinh doanh thực phẩm sạch thì niềm tin giữa người bán và người mua mang tính quyết định.
Chị mua các sản phẩm được trồng theo lối canh tác truyền thống, cây con sinh trưởng tự nhiên, theo mùa chứ không tác động bằng hóa chất, phân bón. Dù sản phẩm được nhiều người coi là hữu cơ nhưng chị cho biết, sẽ không bỏ tiền để lấy chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức nước ngoài. “Bỏ số tiền để có chứng nhận này thà để đầu tư cho người trồng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì hữu ích hơn”, chị Hằng nói.