Cần có kết nối cung cầu cung cầu hàng hóa khả thi

Thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020, sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối”.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp sản xuất, mặc dù sản phẩm đã có mặt trên thị trường từ nhiều năm nay và được người tiêu dùng đón nhận, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các nhà phân phối để đưa hàng vào siêu thị và các hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp.

ket noi cung cau hang hoa can co co che kha thi hinh 1
Nhiều doanh nghiệp có mặt trên thị trường khá lâu nhưng vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các nhà phân phối.
 

Ông Lê Ngọc Anh, chủ cơ sở mắm truyền thống Lê Gia (Thanh Hóa) cho biết, hiện nay, cơ sở của ông đã ký hợp đồng với hệ thống Vinmart và đang cung cấp sản phẩm cho hệ thống bếp ăn Vinmex Vinschool. Tuy nhiên, đơn vị vẫn chưa thể đưa sản phẩm vào siêu thị vì gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các điều khoản giao hàng, chương trình hỗ trợ để trưng bày sản phẩm, thúc đẩy bán hàng trên kệ… Nguồn lực của cơ sở sản xuất còn hạn chế nên khó đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của siêu thị.

Với Công ty cổ phần DTK, chuyên kinh doanh các sản phẩm trứng gà, khó khăn nhất là thuyết phục và chứng minh với các nhà phân phối rằng sản phẩm của công ty là sản phẩm sạch và đáp ứng đầy đủ các chỉ số tiêu chuẩn về dinh dưỡng.

Ông Vũ Hải Châu, Trưởng phòng marketing công ty DTK chia sẻ: "Theo tôi, chúng ta cần tiến tới giống như TP HCM, sẵn sàng cung cấp mọi thông tin cho khách hàng một cách minh bạch, tất cả các quy trình sản xuất cũng như nguyên liệu đầu vào. Khi càng minh bạch thì sản phẩm của chúng ta càng dễ chứng minh được nguồn gốc cũng như chất lượng của sản phẩm".

Trước phản ánh của doanh nghiệp, các nhà phân phối đề nghị, để có thể tiếp cận các kênh bán lẻ chuyên nghiệp, doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thị trường, chú trọng đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, sở Công thương các tỉnh cần đảm nhiệm đấu nối giữa doanh nghiệp với các hệ thống phân phối, tạo điều kiện cho 2 bên có nhiều cơ hội tiếp cận và hợp tác với nhau. Tránh tình trạng hàng sản xuất có chất lượng tốt nhưng lại không tìm được đầu ra hoặc phải qua quá nhiều khâu trung gian làm đội giá thành sản phẩm./.

Bình luận của bạn