Cần Thơ liên kết doanh nghiệp để xuất khẩu cây ăn trái
Lãnh đạo TP Cần Thơ cùng với các đơn vị chức năng và lãnh đạo các quận, huyện đã có buổi làm việc với Cục Bảo vệ Thực vật và các doanh nghiệp xuất khẩu cây ăn trái trong khu vực. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN.
Nhằm liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để xuất khẩu 3 loại cây ăn trái đặc sản chủ lực thành phố Cần Thơ là nhãn, vú sữa và xoài, ngày 8/3, tại thành phố Cần Thơ, lãnh đạo thành phố Cần Thơ cùng với các đơn vị chức năng và lãnh đạo các quận, huyện đã có buổi làm việc với Cục Bảo vệ Thực vật và các doanh nghiệp xuất khẩu cây ăn trái trong khu vực.
Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp của Cần Thơ còn rất lớn khoảng 120.000 ha, trong đó diện tích vườn cây ăn trái có trên 17.121 ha, với sản lượng đạt trên 98.000 tấn/năm, trong đó xoài là 2.714 ha, chuối 1.387 ha, vú sữa 1.324 ha, nhãn 1.838 ha....
Hiện nay, xu hướng chuyển những diện tích làm lúa kém hiệu quả được nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái đặc sản.
Thành phố cũng có các vùng trồng cây ăn trái tập trung lớn như vùng vú sữa ở xã Giai Xuân với diện tích 220 ha, vùng nhãn ở xã Trường Long và Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền với diện tích mỗi vùng trên 120 ha...
Thành phố Cần Thơ mong muốn liên kết với các doanh nghiệp nhằm tổ chức sản xuất và tiêu thụ, nhất là xuất khẩu sang các thị trường khó tính để nâng cao giá trị và lợi nhuận cho nông dân.
Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục Trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, sau nhiều năm đàm phán, đến nay Việt Nam đã mở cửa được một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Chi Lê, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) và New Zealand.
Có 5 loại quả đã xuất sang các nước trên gồm thanh long, nhãn , xoài, vải và đang xuất thành công quả vú sữa sang Hoa Kỳ từ tháng 12/2017 vừa qua.
Đặc biệt quả vú sữa hiện nay chỉ có ở Việt Nam có mà chưa có nước nào có, được trồng ở 2 vùng Tiền Giang và Cần Thơ. Từ 26/12/2017 đến nay, Việt Nam đã xuất 124 lô vú sữa với sản lượng 230 tấn cho Hoa Kỳ, vượt xa kế hoạch đề ra.
Hiện nay, Cục Bảo vệ Thực vật đã cấp 18 mã số vùng trồng vú sữa của 2 địa phương, trong đó có 16 mã cho Tiền Giang với diện tích 123 ha, Cần Thơ được cấp 2 mã với diện tích 23,8 ha. Hiện Việt Nam có khoảng 17 công ty tham gia xuất khẩu trái cây...
Theo ông Thiệt, để xuất khẩu được trái cây sang các thị trường khó tính trước hết phải tập huấn nông dân trồng đạt chuẩn để cấp mã số cho sản phẩm.
Tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp thành lập vùng trồng và tập huấn nông dân trồng đúng biệp pháp quy trình đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Thiệt cũng mong muốn thành phố Cần Thơ cần triển khai tốt các quy trình trồng, chăm sóc, đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính nhằm tạo ra giá trị rất cao cho nông dân.
Cục Bảo vệ Thực vật sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp liên kết có hiệu quả với địa phương.
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp cũng đã nêu thực trạng tình hình thu mua, xuất khẩu các loại cây ăn trái sang các thị trường khó tính, các giải pháp liên kết với nông dân để thực hiện có hiệu quả mối liên kết này.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết hiện nay công ty mua hàng trái cây rất nhiều từ nông dân Cần Thơ để xuất khẩu tươi nhưng không lấy trực tiếp của nông dân mà phải mua qua thương lái.
Trái cây Cần Thơ có chất lượng tốt nhất so với các địa phương khác do hiện nay bà con trồng sau, có nhiều kinh nghiệm chăm sóc.
Cây mới trồng được cắt tỉa, tạo tán nên trái to và giá cả cũng được mua cao hơn các địa phương khác khoảng 3.000 đồng/kg.
Để doanh nghiệp tham gia bao tiêu trái cây cho bà con, theo ông Tùng thì địa phương cần phải có người đứng ra đại diện cho nông dân, phải chuyên về việc buôn bán để hoạch định cho nông dân về kế hoạch sản xuất, để ký kết với doanh nghiệp.
Trái cây cũng cần phải có nơi sơ chế trước tại vùng nguyên liệu rồi mới vận chuyển về doanh nghiệp phân loại để tiêu thụ. Loại tốt nhất dành xuất khẩu tươi sang các thị trường khó tính, loại bán cho thị trường trong nước và loại để chế biến xuất khẩu...
Đặc biệt để xuất khẩu được trái cây tươi, yêu cầu về sinh an toàn thực phẩm là bắt buộc phải đảm bảo do đó cần phải tập huấn cho nông dân thực hiện nghiêm túc các quy trình sản xuất thì mới bán được.
Giá các loại trái cây loại 1 xuất khẩu luôn ở mức rất cao so với giá tiêu thụ nội địa như nhãn được công ty thu mua từ 30.000 - 50.000 đ/kg, vú sữa bình quân 50.000 đồng/kg.
Đây là 2 mặt hàng hiện đang xuất khẩu sang Hoa Kỳ rất tốt, nhất là đối với vú sữa, có lúc giá bán vú sữa tại Hoa Kỳ lên đến 100 USD/pound.
Theo bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu hiện nay các đơn đặt hàng xuất khẩu vú sữa rất nhiều nhưng vừa qua có hiện tượng khách hàng phát hiện có vòi trong trái nên doanh nghiệp rất ngại ký hợp đồng mới.
Do đó, đối với trái vú sữa cần hướng dẫn nông dân bao trái sớm để tránh sâu bướm đụt. Còn đối với nhãn, để xuất khẩu có hiệu quả, Cần Thơ cần hướng dẫn nông dân chuyển sang trồng giống nhãn Ido ( giống Thái Lan ) thay cho giống nhãn da bò Huế trước đây vì giống nhãn mới này có chất lượng ngon, ít bị bệnh vừa phục vụ cho tiêu thụ nội địa vừa xuất khẩu tươi có giá.
Cũng theo bà Vy, để xuất khẩu trái cây hiệu quả, giữa doanh nghiệp và nông dân cần phải thấu hiểu nhau để chia sẻ lợi ích cùng nhau và cũng rất muốn địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp, đề ra các giải pháp để đồng hành đảm bảo hài hòa lợi ích, tránh trường hợp nông dân bẻ kèo.
Cũng theo các doanh nghiệp xuất khẩu cây ăn trái việc nông dân được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trái cây đều rất thích do bán được giá cao hơn bên ngoài.
Tuy nhiên doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do không thể trực tiếp giám sát được quy trình sản xuất của người dân, sản phẩm không đảm bảo được chất lượng do đó địa phương, các HTX là những người đại diện phải sâu sát với nông dân.
Tại buổi làm việc, ông Dũng cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp liên kết với nông dân Cần Thơ tiêu thụ trái cây ở trong và ngoài nước, trước mắt trong năm 2018 sẽ xuất khẩu một số lô hàng trái cây của 3 loại trái cây chủ lực của địa phương là xoài, nhãn, vú sữa.
Thành phố Cần Thơ sẽ thành lập các HTX trồng cây ăn trái, cũng như nâng chất các HTX một cách bài bản đủ sức để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp.
Các địa phương có vùng nguyên liệu là xoài nhãn và vú sữa tập trung khẩn trương xin cấp mã số, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí ...