Cầu nối đưa nông sản Việt Nam "xuất ngoại"
Được đánh giá là lĩnh vực sẽ chịu nhiều tác động nhất khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nông nghiệp Việt Nam có nhiều thế mạnh phát triển nhưng nông sản vẫn còn khó khăn khi bước ra thị trường thế giới.
Cải tiến khoa học kỹ thuật giúp nông sản Việt đạt năng suất, chất lượng hơn
Chắp cánh cho nông sản Việt xuất khẩu
Tại cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp Việt Nam với đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài diễn ra ngày 21-7, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất tìm giải pháp cho nông sản Việt “xuất ngoại” thuận lợi hơn.
Bà Nguyễn Thanh Nga - Tổng Thư ký Hội Doanh nhân nữ cho hay, Việt Nam có nhiều tiềm năng về nông sản nên các doanh nghiệp hy vọng đại sứ Việt Nam tại nước ngoài quan tâm mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại với các quốc gia như: Hà Lan, Phần Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản…, đặc biệt là những thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). “Chúng tôi đang ráo riết thay đổi, đầu tư công nghệ để hướng tới xuất khẩu” - đại diện Hội Doanh nhân nữ chia sẻ.
Cũng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Công ty CP tập đoàn Minh Dương, ông Phạm Xuân Đạt - Phó Tổng giám đốc kiến nghị, các đại sứ cần làm cầu nối để gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là cung cấp các thông tin liên quan đến hàng rào thuế quan, công nghệ sản xuất mới.
Nông sản là một trong những nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, tại một số thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… nông sản Việt vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương, địa phương này trồng nhiều loại cây như: vải, hành, tỏi, cà chua… nhưng lượng cung ứng ra thị trường nước ngoài chưa nhiều, chủ yếu vẫn xuất sang Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp mong muốn được xuất khẩu ra nhiều thị trường hơn.
Thông tin kịp thời cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đặt câu hỏi, “là nước nông nghiệp nhưng vì sao Việt Nam phải nhập cỏ để nuôi bò sữa? Mỗi năm, tổng số tiền nhập thức ăn chăn nuôi của chúng ta là 5 tỷ USD, trong đó nhập ngô là 7 triệu tấn, ngô dầu đậu tương 5 triệu tấn, bột cá… đi 1/2 vòng trái đất mới về tới Việt Nam. Rủi ro từ nhập khẩu rất nhiều, giá ngô dầu đậu tương có lúc lên đến 600 USD/tấn, giờ là 380 USD/tấn. Doanh nghiệp Việt Nam phải vay vốn tới 90% nên giá cả biến động như vậy, khả năng mất thanh toán rất cao”. Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi kiến nghị, các bộ, ngành, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần thông tin đầy đủ cho doanh nghiệp trên qua các kênh khác nhau. “Đặc biệt các trưởng đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cần giới thiệu thông tin thị trường, công nghệ chăn nuôi mới cho doanh nghiệp Việt Nam tham khảo, học tập” - ông Nguyễn Đăng Vang nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, mặc dù các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang rất yếu, nhưng không có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam không thể làm được. “Chúng tôi mong muốn được các vị đại diện ngoại giao tiếp cận đối tác nước ngoài có nhu cầu đặt hàng linh phụ kiện mà Việt Nam có thể sản xuất được, mở đường để chúng tôi vươn ra thị trường quốc tế” - ông Nguyễn Hoàng nói.
Lắng nghe chia sẻ, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ông Dương Chí Dũng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Genève cho biết, đợt bổ nhiệm mới đây cho nhiệm kỳ 2016 - 2019 có 22 đại sứ, 5 tổng lãnh sự tại 5 châu lục (45 quốc gia) trên toàn thế giới. Các trưởng đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đã được giao nhiệm vụ làm cầu nối, nắm bắt xu hướng thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp, xuất khẩu hàng Việt. “Trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ nỗ lực để làm cầu nối giúp doanh nghiệp Việt Nam” - ông Dương Chí Dũng khẳng định.