Đà Nẵng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu khu vực Miền Trung - Tây Nguyên

Ngày 8/10, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2016.

Kết nối cung cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Đến dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh và đại diện các cục, vụ, trung tâm... thuộc Bộ Công Thương, các Sở ban ngành TP. Đà Nẵng và hơn 700 doanh nghiệp đại diện cho 23 Sở Công Thương đến từ 30 tỉnh thành trong cả nước.

Theo Bộ Công Thương, trong những năm qua, các địa phương đã triển khai nhiều nội dung hợp tác phong phú, chất lượng để nắm bắt thời cơ, ứng phó thách thức qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Trong đó, ngành công thương luôn khẳng định tầm quan trọng của mình trong việc kết nối giữa các địa phương trong khu vực với nhau. Các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, TP Đà Nẵng… đã phối hợp với các địa phương khác tổ chức Hội nghị giao thương giữa các doanh nghiệp, hàng trăm biên bản ghi nhớ hợp tác hai chiều giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối.

Các kết nối giữa doanh nghiệp trên địa bàn đang từng bước gia tăng về số lượng và quy mô. Các bên tham gia kết nối hầu hết đã ghi nhận lợi ích rõ ràng từ việc hợp tác, đóng góp một phần quan trọng vào việc giảm khâu trung gian, từ đó giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận hoặc doanh thu cho các bên.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, 8 tháng đầu năm 2016, sản xuất công nghiệp các tỉnh KVMTTN duy trì mức tăng trưởng khá. Một số tỉnh thành có chỉ số sản xuất công nghiệp cao như Quảng Nam 26,6%, Đắk Lắk 11,7%, Đà Nẵng 11,6%...  với những mặt hàng có sản lượng tăng khá so với cùng kỳ như tinh bột sắn (Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Quảng Ngãi), may mặc (Phú Yên, Bình Định, Quảng Bình), bia (Khánh Hòa, Bình Định, Huế, Đắk Lắk).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn khu vực qua 8 tháng đạt 369.204 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ và đạt 64,7% kế hoạch năm 2016. Trong đó một số tỉnh thành tăng trưởng cao như Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk...

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đạt 4.460 triệu USD, tăng 6,11% so với cùng kỳ và đạt 53,4% kế hoạch năm 2016. Trong đó Đà Nẵng và Khánh Hòa là 2 đơn vị dẫn đầu có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cà phê, cao su, tinh bột sắn, hàng dệt may, thủy sản, gỗ và dăm gỗ, sản phẩm điện, điện tử, hạt điều, giày dép... Kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt 3.973 triệu USD, tăng 6,8%, đạt 59,6% kế hoạch năm. Mặt hàng nhập khẩu chính vẫn là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, hóa chất, sắt thép, dược phẩm, dầu thô, bao bì các loại...

Trong kết quả tăng trưởng đó có sự đóng góp không nhỏ của Hội nghị kết nối cung cầu năm 2015 với 42 cặp biên bản kết nối được triển khai với tổng giá trị trên 320 tỷ đồng. Những mặt hàng như rau củ quả, các sản phẩm dừa, thực phẩm sấy khô, nhôm kính, bao bì, bàn ghế kim loại... và dịch vụ chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất đạt hiệu quả thương mại cao. Bên cạnh đó, các tỉnh thành trong khu vực đã đẩy mạnh những chương trình kết nối thông qua các hội chợ, triển lãm... như Hội chợ liên kết vùng kinh tế Tây Nguyên - Gia Lai 2016, Hội chợ giao thương DN Kon Tum 2016, Hội chợ thương mại quốc tế Festival Huế, Hội chợ thương mại Quảng Bình, Hội chợ - triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực MTTN - Quảng Ngãi 2016, Hội chợ thương mại và tiêu dùng Quảng Nam, Hội chợ quốc tế đầu tư - thương mại và du lịch hành lang kinh tế Đông Tây và Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, Hội nghị Kết nối cung cầu miền trung - Tây Nguyên lần thứ hai được tổ chức tại Đà Nẵng, là điều kiện hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp Đà Nẵng cũng như trong khu vực tìm kiếm đối tác, thị trường, mở rộng liên doanh liên kết. Đây cũng là một trong các hoạt động chính trong khuôn khổ Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2016” đang được triển khai trên quy mô toàn quốc với nhiều hoạt động đồng hành thiết thực, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2016.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí với ý kiến kết nối cung cầu là bước đi cần thiết và hiệu quả để hàng hóa sản xuất ra đến tay người dùng một cách nhanh chóng và chất lượng nhất.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã đánh giá cao việc triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ DN mở rộng thị trường của nhiều Sở Công Thương KVMTTN, trong đó Sở Công Thương Đà Nẵng đã làm rất tốt vai trò đầu mối. Thứ trưởng đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong khu vực tiếp tục đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp mở rộng giao lưu, tăng cường liên kết; thường xuyên khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ, nhu cầu mua bán của doanh nghiệp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tích hợp để cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kết nối cung cầu.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín trên thị trường; kết nối ngân hàng - doanh nghiệp sản xuất - chuỗi cung ứng tại các địa phương nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh trong đầu tư, phát triển sản xuất, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của nhà phân phối và thị trường.

Cũng tại Hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ kết nối cung - cầu giữa 51 cặp doanh nghiệp và 3 Sở Công Thương ký với Hiệp hội nữ doanh nhân, đồng thời 200 doanh nghiệp trong nước trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm, hàng hóa.

Bình luận của bạn