Đẩy mạnh kết nối sản phẩm nông sản Việt

Năm 2016, Thừa Thiên Huế có nhiều hoạt động kết nối cung - cầu. Cụ thể, tổ chức Hội nghị “Kết nối, phát triển thị trường sản phẩm nông sản (SPNS), đặc sản Huế năm 2016 lần 1” ngày 27/5; đưa các doanh nghiệp (DN) tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu ở nhiều địa phương trong cả nước; tổ chức Xúc tiến kết nối cung - cầu tiêu thụ các SPNS, đặc sản, thủ công mỹ nghệ (TCMN) ngày 21/12.

Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế - cho biết, để đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối, phát triển thị trường SPNS, đặc sản, TCMN, năm 2016, Sở Công Thương đã phối hợp UBND các huyện, thị xã, TP. Huế rà soát và xây dựng danh mục các SPNS, đặc sản, TCMN trên địa bàn gồm 42 DN, cơ sở sản xuất sản phẩm TCMN với 20 loại sản phẩm và 88 DN, cơ sở sản xuất SPNS, đặc sản với 47 loại sản phẩm.

Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đã tổ chức 15 buổi kết nối giữa các nhà phân phối, các DN, cơ sở sản xuất (CSSX) như: Cơ sở trà cung đình Đức Phượng (trà cung đình), cơ sở sản xuất thực phẩm Phạm Thị Khánh Tâm (bánh chưng, mứt gừng, tỏi đen, mắm, ruốc…), hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Quảng Thọ II (trà rau má), cơ sở tôm chua Bà Nhồng (tôm chua Huế), Công ty TNHH SX TM DV Lộc Mai (trà vả Lộc Mai), HTX NN Thủy Biều (bưởi Thành Trà), cơ sở dầu tràm Kim Vui (dầu tràm Huế và các loại tình dầu), cơ sở dầu tràm Trường Hải (dầu tràm Huế)… Ngoài ra, sở còn tổ chức cho các DN, cơ sở sản xuất tham gia 20 chương trình, hội nghị, hội chợ kết nối tiêu thụ SPNS, đặc sản, TCMN tại tỉnh: Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Các hoạt động kết nối cung cầu này đã được kết quả tích cực. Cụ thể: Siêu thị Big C Huế đã duy trì và mở rộng khai thác trên 10 nhà cung cấp hàng nông sản, đặc sản trong tỉnh như: Tôm chua bà Nhồng, đặc sản Thanh Trà của HTX NN Thủy Biều và các hộ kinh doanh; nấm các loại của HTX NN Phú Lương I , gạo chất lượng cao của HTX NN Phú Hồ… Hay như, siêu thị Co.opMart Huế cũng duy trì và mở rộng khai thác trên 20 nhà cung cấp trong tỉnh và đang xúc tiến bổ sung thêm dầu tràm Trường Hải, tinh dầu Kim Vui,… Đặc biệt, nhiều DN, CSSX cũng tìm kiếm được đại lý, nhà phân phối ngoại tỉnh.

Để phát triển thị trường sản phẩm đặc sản Huế giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương đã tham mưu triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu SPNS, đặc sản, TCMN như: Xây dựng “Con dấu nhận diện sản phẩm đặc sản Huế”, vận hành Cổng thương mại điện tử Sản phẩm Huế với trên 30 DN, cơ sở của tỉnh tham gia. Bên cạnh đó, hỗ trợ các DN, CSSX SPNS, đặc sản của tỉnh đầu tư công nghệ thiết bị tiên tiến; hỗ trợ thiết kế, cải tiến mẫu mã nhằm mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Tuy nhiên, sở vẫn gặp một số vướng mắc giữa nhà cung cấp và nhà tiêu thụ như: Chi phí thực hiện các quy định về kiểm nghiệm (6 tháng/lần/sản phẩm) để vào hệ thống siêu thị khá cao. Thiếu các lò mổ gia súc, gia cầm đạt chuẩn, bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Văn bản quy định về tiêu chuẩn sản phẩm của một số sản phẩm đặc sản chưa rõ ràng, ví như sản phẩm dầu tràm, chưa xác định rõ đó là mỹ phẩm, thực phẩm hay là dược phẩm… Vì vậy, các CSSX rất cần sự hỗ trợ của các địa phương; các hội, hiệp hội ngành hàng thay đổi, bổ sung một số quy định, giảm chi phí kiểm nghiệm, đầu tư các lò mổ đạt chuẩn... để các SPNS, đặc sản, TCMN của Thừa Thiên Huế phát triển mạnh và mở rộng kinh doanh.

Bình luận của bạn