Đồng Tháp giúp nông dân liên kết và tiêu thụ sản phẩm

Sản phẩm của Làng hoa Sa Đéc được kết nối với chợ đầu mối Bình Điền (Thành phố Hồ Chí Minh) để thức đẩy tiêu thụ. Ảnh minh họa: TTXVN

Với 5 mặt hàng chủ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp là lúa, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt và hàng chục mặt hàng truyền thống khác được liên kết với doanh nghiệp đưa đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, đối với 5 mặt hàng chủ lực được ngành giúp cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào chương trình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo không ngừng tăng lên hàng năm, năm 2015 có 27 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất vài ngàn ha, đến vụ Đông Xuân 2016-2017 có 53 công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết với diện tích 14.407 ha, sản lượng được thu mua hơn 76 ngàn tấn. 

Sở Công Thương đã kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị,… tiêu thụ những sản phẩm gạo sản xuất theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP) cho nông dân. 

Ông Trần Tấn Đức, Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết, trong 3 năm qua công ty ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với diện tích là 6.709 ha, thực tế đã thu mua được 29.635 tấn lúa tươi với doanh số mua đạt trên 150 tỷ đồng. 

Thông qua mô hình liên kết sản xuất, Công ty Lương thực Đồng Tháp đã có vùng nguyên liệu ổn định cùng với cơ sở vật chất hiện có, công ty đã xây dựng thành công 3 loại gạo thơm an toàn mang nhãn hiệu Sếu Đỏ, Hương Tràm và Ramsar.

Các sản phẩm này hiện đã được bán tại các Siêu thị lớn như Auchan (Giant), hệ thống FoodcoMart, các đại lý tại thành phố Hồ Chí Minh và trong tỉnh. 

Thời gian qua, Sở Công Thương đã kết nối tiêu thụ hoa kiểng giữa Hợp tác xã Hoa kiểng Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc với Chợ Bình Điền thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ mặt bằng tiêu thụ hoa vào dịp tết và tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh tiêu thụ số lượng cây cảnh công trình với giá trị tương đương 500 triệu đồng... 

Mặt hàng cá tra được một số doanh nghiệp đã sản xuất nhiều sản phẩm giá trị gia tăng như: dầu cá Ranee, colagen, genlatin, thức ăn chăn nuôi,…được liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nên các doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo và ổn định được nguyên liệu đầu vào, chủ động đầu ra nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ngày càng cao. 

Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp còn tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia các đoàn xúc tiến thương mại; tham gia các hội chợ, hội nghị; các hội thảo, diễn đàn,... nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh quảng bá nhãn hiệu sản phẫm, tìm kiếm kết nối giao thương với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Để tạo mối liên kết cho nông dân với các doanh nghiệp, Sở Công Thương vừa qua còn tổ chức 05 phiên chợ nông nghiệp xanh nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các loại nông thủy sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kết quả có 308 doanh nghiệp tham gia với 186 gian hàng, với 24.000 lượt khách đến tham quan mua sắm.... 

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, ngoài việc giúp dân tiêu thụ nông, thủy sản ở kênh phân phối truyền thống trong tỉnh như ở các chợ truyền thống, chợ đầu mối, nhà hàng, các đại lý phân phối, các thương nhân đầu mối…, tỉnh còn chú trọng kênh phân phối hiện đại như: Saigon Co.op, Hapro, SATRA, Big C, Lotte, Vin mart, Siêu thị Tứ Sơn,...., bởi đây là kênh phân phối quan trọng đối với các mặt hàng nông đặc sản./.

Bình luận của bạn