Đưa hàng Việt vào Nga: tín hiệu lạc quan

Con đường đưa hàng vào thị trường Nga của doanh nghiệp Việt Nam bước đầu ghi nhận những tín hiệu khả quan.

Có vẻ như hàng Việt có những điều kiện thuận lợi để thâm nhập thị trường này. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ doanh nghiệp cần kiên trì mục tiêu trung thành với chất lượng sản phẩm.

Trở về từ hội chợ hàng Việt Nam tại Mátxcơva hồi giữa tháng 12-2015, ông Duy Ngọc Linh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương, cho biết: “Chúng tôi vừa ký kết hợp tác với Công ty VietHouse ở Nga để phân phối các sản phẩm bún, miến khô tại thị trường này. Qua đối tác VietHouse, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm đối tác tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm tại Liên bang Nga”.

Theo phản hồi từ đối tác của Công ty Minh Dương ở Nga, gần 7 tấn bún và miến khô do công ty này đưa sang thị trường Nga đã được bán “hết sạch” chỉ trong vòng hai tuần. “Qua khảo sát bước đầu, người tiêu dùng Nga có phản ứng tích cực về chất lượng cũng như giá bán các sản phẩm bún, miến khô của Việt Nam. Nhiều người Việt sống tại Nga cũng tìm mua...”, ông Linh cho biết.

Chia sẻ chút trở ngại về giá bán sản phẩm thời gian gần đây, ông Linh cho biết do đồng rúp của Nga bị giảm sâu nên các doanh nghiệp Việt đưa hàng vào Nga phải có một số sách lược linh hoạt để có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập từ các nước khác, trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định chất lượng sản phẩm hàng Việt. Riêng về Công ty Minh Dương, trong những ngày đầu năm 2016, công ty tiếp tục các hoạt động khảo sát thị trường và tìm kiếm thêm đối tác phân phối ở thị trường Nga. Bên cạnh đó là việc cùng với các doanh nghiệp vận tải biển chuẩn bị cho việc vận chuyển hàng số lượng lớn và tính toán giảm chi phí vận chuyển về lâu dài.

Theo kết quả khảo sát bước đầu của Công ty cổ phần Đầu tư trung tâm thương mại Hà Nội - Mátxcơva (Incentra) - đơn vị tổ chức hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Mátxcơva vừa qua, các mặt hàng được khách Nga và cộng đồng người châu Á sinh sống tại Nga ưa chuộng có thể kể đến là hàng nông thủy sản, đồ uống, bánh kẹo, trà, cà phê, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, dệt may, đồ gỗ, sản phẩm trang trí nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ, da giày...

Thống kê của Incentra cho thấy trong số hơn 400.000 lượt khách tới tham quan, mua sắm trong gần một tháng diễn ra hội chợ đã có hơn 4.000 doanh nghiệp đến mua hàng, thực hiện các giao dịch, thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Theo một đại diện của Incentra, hiện những doanh nghiệp Việt khi bước chân vào thị trường Nga đã có sự tìm hiểu khá kỹ về thói quên tiêu dùng, cách giao tiếp của người bản địa cũng như phong cách làm ăn của doanh nghiệp Nga. Nhiều doanh nghiệp có sự thích ứng nhanh trong việc tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, nắm bắt cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Họ cũng chú ý nhìn lại những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp mình mà có sự thay đổi cho phù hợp với thị trường.

Nhưng một điểm đặc biệt cần được nhắc tới là hàng Việt vào Nga lâu nay “vấp” phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn hàng từ một số nước châu Á, trong đó có hàng từ Trung Quốc.

Trao đổi sau chuyến tham gia bán hàng tại Nga, ông Trần Minh Ngôn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm NBN (chuyên kinh doanh cà phê, hạt nêm và nước chấm), đã chia sẻ kinh nghiệm: “Đây là thị trường lớn, tâm lý tiêu dùng ổn định nhưng các nhà sản xuất Việt Nam cần kiên trì mục tiêu giữ chất lượng tốt cho sản phẩm. Có như vậy mới có thể tồn tại lâu dài thị trường tưởng là dễ tính này!”.

Sau nhiều năm tham khảo thị trường Nga, ông Ngôn cho biết các kiểu làm ăn chụp giựt, xem nhẹ chất lượng đã không còn “đất sống”. Trên thực tế, phần lớn người Nga đã sẵn có thiện cảm với hàng Việt Nam nên chỉ cần tự tin vào chất lượng sản phẩm và “có gan” đột phá, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam không hề nhỏ.

Lượng hàng mà NBN đưa vào thị trường Nga những ngày đầu năm 2016 đã tăng gấp đôi so với những ngày cuối năm 2015. Ông Ngôn cho đây là dấu hiệu khá lạc quan, tạo thêm động lực, niềm tin cho doanh nghiệp bám rễ, gắn bó lâu dài với thị trường Nga.

Ông Ngôn cũng cho biết với việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, NBN có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Liên bang Nga nhằm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, đồng thời nâng tính chủ động trong việc liên kết với các đối tác phân phối khi cánh cửa vào các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan được mở toang với tổng dân số của khối này lên đến 182 triệu người.

Trên thực tế, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất một số mặt hàng mà thị trường Nga đang cần như da giày, may mặc, nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ... Với hiệp định được ký kết và có hiệu lực từ đầu năm 2016, dự báo các mặt hàng này của Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi khi xuất khẩu sang Nga, đặc biệt khi Liên minh kinh tế Á - Âu cam kết cắt giảm 82% dòng thuế cho hàng dệt may Việt Nam, 77% dòng thuế cho giày dép, 95% cho thủy sản, 76% cho đồ gỗ... Đáng chú ý là việc giảm thuế nhập khẩu đến 0% đối với các mặt hàng áo khoác, váy, đồ thể thao, giày thể thao và một số loại giày dép khác. Hiện nay, hàng dệt may Việt Nam vào Nga đang chịu mức thuế nhập khẩu 10% và thuế giá trị gia tăng là 18%. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm may mặc sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào Liên minh kinh tế Á - Âu khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

Còn theo đại diện Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (thuộc tập đoànTH True Milk), vừa qua công ty này đã mang sản phẩm vào bán tại thị trường Nga và được người tiêu dùng Nga ưa chuộng. Riêng trong đợt triển lãm hồi cuối năm 2015 vừa qua, công ty đã phải liên tục chuyển nhiều đợt hàng sang Nga vì hàng đưa sang bao nhiêu đều bán hết!

Hiện nay, TH True Milk đang xúc tiến đầu tư một dự án tại Nga với tổng vốn lên đến hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng ba cụm trang trại 45.000 con bò (trong đó có 21.600 con bò sữa) trên tổng diện tích 20.000 héc ta, và một nhà máy chế biến sữa công suất 800 tấn/ngày. Trong giai đoạn 2 (2017-2019), tập đoàn này sẽ xây dựng thêm sáu cụm trang trại với tổng đàn bò 100.000 con; nhà máy chế biến sữa công suất 1.700 tấn/ngày. Giai đoạn 3 sẽ nâng lên thành 12 cụm trang trại và hoàn thành nhà máy chế biến sữa Mega với tổng đàn bò khoảng 200.000 con.
 

Bình luận của bạn