Đưa vải thiều Lục Ngạn, gà Yên Thế... về siêu thị Hà Nội

Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức hội nghị hợp tác phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực giữa hai địa phương và tiến hành ký kết kế hoạch hợp tác trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, ưu tiên cung cấp các sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn của tỉnh Bắc Giang cho người tiêu dùng Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, Bắc Giang là vùng đất có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, Bắc Giang đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Một số sản phẩm hàng hóa đã tạo dựng được thương hiệu như vải thiều Lục Ngạn, lúa thơm Yên Dũng, rau an toàn Tân Yên, nấm Lạng Giang, rau cần Hiệp Hòa, na dai Lục Nam, mỳ Chũ… Các sản phẩm này hầu hết đều đã áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global GAP bảo đảm an toàn vệ sinh, chất lượng thực phẩm. Như với quả vải, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGap đã tăng lên 12.300 ha (trong tổng số 32.000 ha trồng vải). Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã cấp 15 mã vùng trồng theo tiêu chuẩn Global GAP cho hơn 250 hộ ở Bắc Giang.

Với chăn nuôi, tỷ trọng chăn nuôi bán công nghiệp, công nghiệp gắn với quy trình an toàn sinh học đang được tỉnh Bắc Giang mở rộng. Quy mô tổng đàn lợn, gà tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Riêng mô hình gà đồi Yên Thế đã duy trì tổng đàn gà khoảng 14,6 triệu con, hiện đang tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước. Tại Hà Nội, sản phẩm này đã có mặt trong các hệ thống siêu thị Big C, Co.opMart, Intimex, Hiway… Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Vũ Trí Hải cho biết, huyện đã thành lập các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi từ con giống đến chế biến, chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tới đây sẽ tiến hành kẹp chì vào chân gà lông, dán tem nhãn vào các sản phẩm gà thịt để người tiêu dùng có thể nhận biết.

Mặt hàng phong phú, chú trọng tới chất lượng, nhưng phần lớn các sản phẩm của tỉnh Bắc Giang chưa đưa vào được hệ thống phân phối hiện đại tại Hà Nội và các thành phố lớn. Giá thành sản phẩm còn thấp, không ổn định, chưa tương xứng, cho nên người sản xuất còn nhiều thua thiệt. Các mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều và còn lỏng lẻo, thiếu tính bền vững. Với mong muốn tiếp cận hiệu quả hơn tới thị trường thủ đô, tỉnh Bắc Giang đề nghị UBND TP Hà Nội giúp đỡ, hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm của tỉnh; giới thiệu các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm của tỉnh vào hệ thống phân phối. Đồng thời, hỗ trợ một số địa điểm bán hàng trưng bày, giới thiệu và thường xuyên bán các sản phẩm nông sản hàng hóa an toàn của tỉnh Bắc Giang phục vụ người dân Hà Nội; tạo điều kiện cho các phương tiện từ năm tấn trở xuống lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Bắc Giang cung ứng kịp thời cho các cơ sở ở Hà Nội trong các khung giờ phù hợp…

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho rằng, khi người tiêu dùng đang bị “khủng hoảng” niềm tin với chất lượng an toàn thực phẩm thì những sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng của Bắc Giang đang có cơ hội lớn. Quan trọng là tỉnh Bắc Giang phải bảo đảm được quy trình chất lượng của sản phẩm, không chỉ tạo thương hiệu mà còn phải gắn cho sản phẩm nhãn hiệu, bao bì, tem bảo đảm chất lượng đúng tiêu chuẩn... Để các sản phẩm này không chỉ xuất hiện ở các điểm bán nhỏ lẻ mà phải có vị trí vững chắc trong hệ thống phân phối hiện đại.

Kế hoạch hợp tác giữa Hà Nội và Bắc Giang nhấn mạnh việc xây dựng, liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ; tổ chức các chương trình xúc tiến, kết nối cung - cầu ; lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, nguồn cung ổn định để đưa vào thị trường Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, để kế hoạch này triển khai hiệu quả, thành phố sẽ chỉ đạo Sở Công thương cùng các sở, ngành liên quan thực hiện đúng các nội dung trong ký kết một cách bền vững, lâu dài chứ không manh mún, nhỏ lẻ. Hai bên sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, giới thiệu để doanh nghiệp hai địa phương thật sự tìm hiểu nhau, ký kết hợp đồng và đưa các nội dung trong kế hoạch vào thực tế.

Theo Sở Công thương Hà Nội, khả năng sản xuất trên địa bàn thành phố hiện chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Thời gian qua, không chỉ với tỉnh Bắc Giang, mà Hà Nội còn chú trọng kết nối, khai thác và tiêu thụ sản phẩm với nhiều địa phương trên cả nước. Qua đó, góp phần giúp các doanh nghiệp nâng cao giá trị hàng hóa, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tạo cơ hội cho người tiêu dùng Thủ đô tiếp cận các nguồn hàng phong phú. Hoạt động hợp tác này sẽ giúp kết nối kinh tế các địa phương cùng phát triển, góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bình luận của bạn