Giao thương tiêu thụ nông sản thực phẩm Hà Nội - Lâm Đồng: Tiếng nói người trong cuộc

Ký kết “Kết nối giao thương tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn’’ giữa TP Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Linh Hương

Với một thị trường hơn 10 triệu dân và trên 21 triệu lượt khách du lịch hàng năm, nhu cầu về rau của Thủ đô cần khoảng 1 triệu tấn, trong khi nguồn cung tại địa phương mới đáp ứng được gần 60%. Đây là cơ hội cho ‘“vựa rau’’, nông sản Lâm Đồng đến với người tiêu dùng Hà Nội. Cơ hội luôn đi đôi với thách thức. Vậy, làm thế nào để con đường đi của nông sản thực phẩm (NSTP) từ tỉnh kết nghĩa Lâm Đồng đến với người tiêu dùng Thủ đô nhanh chóng và thuận lợi? Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến, sẻ chia từ các nhà quản lý, các DN sản xuất và phân phối NSTP.

Lâm Đồng - vùng đất của NSTP

Là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên và nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa Á nhiệt đới, có nhiệt độ trung bình từ 18 -25oC; độ cao từ 800 -1.500m so với mặt nước biển, lại thêm đất đai phì nhiêu… Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung được coi là vùng đất ôn đới lý tưởng cho phát triển không chỉ các loài hoa, mà còn rất thuận lợi cho sản xuất rau và các loại NSTP khác. Với những thuận lợi ấy, Lâm Đồng sớm trở thành Trung râm sản xuất và chế biến NSTP công nghệ cao, dẫn đầu cả nước về quy mô - sản lượng lẫn năng lực xuất khẩu trên cùng một diện tích canh tác. Ông Nguyễn Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Lâm Đồng cho biết, hiện vùng chuyên canh rau Đà Lạt - Lâm Đồng có diện tích 61.814ha, hàng năm cho sản lượng hơn 2 triệu tấn rau. Năm 2016, Lâm Đồng xuất khẩu 9.500 tấn rau củ các loại sang thị trường các nước Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore. Sản phẩm NSTP Lâm Đồng từ lâu đã trở thành thương hiệu quen thuộc với người dân Thủ đô và được nhiều siêu thị lớn lựa chọn, quan tâm.

Không chỉ có rau, củ, quả, cây chè và cà phê mang đậm bản sắc của cao nguyên Lâm Đồng cũng trở nên nức tiếng cả nước; có sản lượng và quy mô công nghệ chế biến thành phẩm lớn nhất. Riêng cây chè, toàn tỉnh có 21.131ha, cho sản lượng 117 tạ/ha. Đặc biệt, một số giống chè nhập, như: Ô long, Kim Tuyên, Tuyết Ngọc, Tứ Quý… sản lượng lên tới hơn 200.000 tấn/năm, góp phần đưa năng lực xuất khẩu chè của Lâm Đồng lên một tầm cao mới, được ưa chuộng trong và ngoài nước. Bên cạnh cây chè, cây cà phê có vùng chuyên canh 155.239ha, cho sản lượng gần 430.000 tấn/năm. Sản phẩm cà phê của tỉnh đã có mặt ở thị trường các nước, như Nhật Bản, Singapore, Úc, Thái Lan, Bỉ, Hà Lan… Tỉnh Lâm Đồng luôn coi trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất, chế biến; ưu tiên phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hội nghị giao thương tiêu thụ NSTP an toàn tại Hà Nội chính là hướng đi mở cho ngành nông nghiệp của tỉnh.

Làm thế nào để NSTP Lâm Đồng ‘’xâm nhập’’ được thị trường Thủ đô?

Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Hậu - Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam - DN có chuỗi 26 siêu thị Fivimart ở Hà Nội, cho rằng: Cái thuận lợi ai cũng thấy rõ, đó là lượng lớn NSTP an toàn của Lâm Đồng có uy tín về chất lượng và mẫu mã, được nhiều người tiêu dùng Thủ đô biết đến. Chuỗi siêu thị của Nhất Nam từ lâu đã nhập bán các NSTP của Lâm Đồng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trở ngại cho nhà cung cấp, đó là nhiều thủ tục giấy tờ, tiêu chí tem nhãn sản phẩm chưa chuẩn - gây tốn phí vì phải in ấn bao bì. Fivimart rất chặt chẽ trong khâu nhập hàng hóa. Nhà sản xuất của Lâm Đồng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định đặt ra như hợp đồng đã ký theo tiêu chuẩn VietGap, bà Hậu cũng lưu ý nhà sản xuất về thời gian giao hàng sao cho hợp lý – từ 4 giờ đến 6 giờ 30 phút, tránh tồn đọng, hư hỏng, nhất là với rau, củ, quả tươi. Riêng với trà Atiso các loại, ngay sau đây DN sẽ xem xét giấy tờ và hàng hóa rồi ký hợp đồng với nhà sản xuất. Fivimart luôn ưu tiên hàng Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam’’. Hiện hệ thống siêu thị của Nhất Nam luôn ưu tiên 90% hàng sản xuất trong nước, dù đã ký với đối tác Nhật Bản. Bà Hậu cũng lưu ý các nhà sản xuất NSTP Lâm Đồng cần chú trọng đến bao bì sao cho bắt mắt và tìm cách cắt giảm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm… mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Đầu tháng 10 năm nay, Nhất Nam sẽ phát triển thêm 1 siêu thị Fivimart thứ 27 trên địa bàn Thủ đô. Đó cũng là thuận lợi cho các nhà sản xuất NSTP tỉnh Lâm Đồng.

‘’Bà đỡ’’ cho NSTP an toàn

Ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt - một DN chuyên đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và phân phối hàng hóa NSTP phát biểu: Nhu cầu về NSTP của Hà Nội rất cao; sản phẩm từ tỉnh khác vào Thủ đô còn khó khăn; NSTP vào Hà Nội hầu hết mang tính tự phát, manh mún… Trước tình hình đó, Công ty đã đề xuất với Bộ NN&PTNT và chính quyền TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng cho phép thành lập ‘’Trung tâm phân phối nông sản thực phẩm an toàn’’ đầu tiên ở Hà Nội. Ngày 29/7/2017, Trung tâm chính thức đi vào hoạt động tại 489 Hoàng Quốc Việt. Nơi đây khá thuận lợi cho giao thương, kết nối… nhằm đưa sản phẩm tốt, có chất lượng cao qua quy trình kiểm soát chặt chẽ vào kênh phân phối. Từ nơi này, hàng hóa sẽ được đưa đi các hệ thống siêu thị, các điểm bán sỉ và lẻ trên địa bàn TP cũng như cả nước. Ông Nam cũng đồng với ý kiến của bà Hậu. Ông khuyến cáo các nhà sản xuất nên lưu ý đến sản phẩm tươi sống, bởi khó khăn dễ gặp đó là phương tiện vận chuyển và thời gian giao hàng. NSTP đưa từ Lâm Đồng ra Hà Nội, đường sá xa xôi, nếu qua nhiều khâu trung gian, giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy lên cao, người tiêu dùng khó chấp nhận.

Theo ông Nam, Trung tâm phân phối NSTP an toàn có chức năng kết nối nhà sản xuất và tiêu thụ. Trung tâm chỉ làm một số dịch vụ để hỗ trợ. Ví dụ như, dịch vụ giao vận để chuyển hàng đến nhà phân phối, đến địa chỉ của người bán. Hiện, Trung tâm đang xây dựng hệ thống phần mềm. Thông qua phần mềm này, khách hàng bán buôn có thể đặt hàng trực tiếp với nhà sản xuất về số lượng, chất lượng, thời gian và chủng loại sản phẩm. Nhà sản xuất chỉ việc tập hợp những yêu cầu của khách hàng mà chuyển đến người mua thông qua Trung tâm, tránh được tình trạng thiếu - thừa hàng hóa. Cũng theo ông Nam, Trung tâm có thể nhận làm dịch vụ từ A - Z chuỗi phân phối và có thể chỉ từ một vài dịch vụ, ví như vận chuyển, marketing, thu hồi công nợ…
Là một đơn vị mới thành lập nên Trung tâm mong muốn cùng tỉnh Lâm Đồng phối hợp nhằm đưa ra những giải pháp sao cho hàng hóa NSTP từ Lâm Đồng vào thị trường Hà Nội được nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm chi phí. Về giá cả, Trung tâm chỉ đưa ra giá trần và giá sàn, nhà sản xuất trực tiếp định giá bán cho từng siêu thị, nhà hàng, Trung tâm chỉ hưởng dịch vụ từng công đoạn mình làm; tạo điều kiện thuận lợi cho người mua và bán (tự thỏa thuận về giá cả, chiết khấu hoa hồng…).
Lời kết
Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ NSTP an toàn diễn ra tốt đẹp. Các nhà sản xuất của 3 huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lộc và TP Đà Lạt cùng các nhà phân phối đại diện các hệ thống siêu thị Fivimart, BigC, Hapro… đã đạt được thỏa thuận và ký kết hợp đồng trong việc cung cấp và tiêu thụ NSTP sạch ở Thủ đô Hà Nội. Lâm Đồng là địa phương đi đầu cả nước trong việc áp dụng công nghệ cao. Sản lượng NSTP an toàn lớn nhất. Những năm gần đây, Lâm Đồng và Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các DN sản xuất và chế biến NSTP an toàn; tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; thực hiện tốt Nghị quyết 19 của Chính phủ về hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Với các DN Lâm Đồng, Hà Nội là kênh phân phối hàng hóa lớn nhất, là đầu mối không chỉ ở Thủ đô mà còn trên phạm vi toàn miền Bắc, đặc biệt là sản phẩm chất lượng cao.
Trước thềm Hội nghị này, Ban tổ chức - HPA đã tạo điều kiện cho các DN Lâm Đồng được khảo sát thực tế các Trung tâm thương mại, các siêu thị lớn… tạo niềm tin kết nối giao thương giữa các nhà sản xuất và phân phối.’’ Đó là sự chu đáo của HPA’’ - như lời ông Đào Ngọc Nam nói trong Hội nghị.

Bình luận của bạn