Hà Giang: Sôi động xúc tiến sản phẩm làng nghề, nông sản

Ngày 13/12, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Khai mạc “Hội chợ Công nghiệp - Thương mại và Sản phẩm làng nghề Hà Giang năm 2016”. Tham dự lễ khai mạc có đại diện Cục Công nghiệp địa phương; Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ngành Công Thương một số tỉnh phía Bắc và gần 200 doanh nghiệp trong cả nước…

Hội chợ Công nghiệp - Thương mại và Sản phẩm làng nghề Hà Giang năm 2016 nhằm tăng cường mở rộng giao lưu kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và các làng nghề giới thiệu quảng bá sản phẩm, nắm bắt nhu cầu thị  trường, thị hiếu khách hàng để từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. 

Hội chợ Công nghiệp - Thương mại và Sản phẩm làng nghề Hà Giang năm 2016 có quy mô trên 300 gian hàng tiêu chuẩn với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề tiêu biểu của địa phương tham dự.

Đặc biệt, hội chợ còn có sự góp mặt của sở công thương 15 tỉnh, thành phố với 60 gian hàng giới thiệu những sản phẩm công nghiệp, thương mại và làng nghề đặc trưng của địa phương mình, gồm nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng như: Hàng kim khí điện máy, điện tử viễn thông, thủ công mỹ nghệ và nhiều ngành hàng dịch vụ khác… Hội chợ tạo cơ hội để Hà Giang và các tỉnh, thành phố trong khu vực giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo cơ hội giao thương, mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và giá trị sản phẩm làng nghề tiêu biểu của địa phương tới các tỉnh bạn, góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Hà Thị Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - nêu bật: Hội chợ là dịp để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại các tỉnh, thành phố trong khu vực miền núi phía Bắc có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác kinh tế và liên kết kinh doanh. Đồng thời giúp các doanh nghiệp trong nước quảng bá thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế.

Tại hội chợ, 11 huyện, thành phố thuộc tỉnh Hà Giang cũng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề của địa phương mình, qua đó nhằm giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng các sản phẩm như: Mật ong bạc hà Mèo Vạc; gạo Già Dui huyện Xín Mần; cam sành Bắc Quang; rượu ngô Quản Bạ…

Cũng trong chuỗi hoạt động xúc tiến tiêu thụ, kết nối cung cầu hàng hóa của Hà Giang, tại huyện Bắc Quang đã diễn ra “Hội nghị kết nối cung cầu - xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang niên vụ 2016 - 2017”. Cùng với việc tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang sẽ gắn với Lễ Công bố chỉ dẫn địa lý và ký hợp đồng tiêu thụ; tổ chức Hội thi cam và Hội chợ thương mại; tham quan thực tế tại các vườn cam… Sự kiện đón gần 300 đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện một số địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước, hệ thống siêu thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Chuỗi sự kiện nhằm tuyên truyền, giới thiệu về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Hà Giang, những tiềm năng, lợi thế và định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo động lực cho phát triển, tăng trưởng kinh tế trên lĩnh vực sản xuất cam sành.

Thông tin từ Hội nghị, từ 2013 đến nay, sau khi Chương trình “Phục hồi và phát triển cây cam sành Hà Giang” được thực hiện, diện tích và sản lượng cam sành đã tăng theo từng năm. Năm 2013 diện tích cam sành có 2.663,6 ha, sản lượng đạt 9.725 tấn. Đến năm 2016, tổng diện tích được nâng lên 7.907,6 ha (trong đó có 1.543,07 ha cam theo tiêu chuẩn VietGAP), sản lượng ước đạt 17.218 tấn.

 

Bình luận của bạn