Hà Nội mở toang cửa đón nông phẩm sạch Bắc Giang

Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm hai chiều, đưa nông sản sạch đến người tiêu dùng là nội dung trọng tâm của Hội nghị Hợp tác phát triển sản xuất tiêu thụ sản phẩm chủ lực Hà Nội.

TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang ký kết kế hoạch Hợp tác tạo liên kết chuỗi từ SX đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chủ lực Trong vài năm lại nay, TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang thường có các hội nghị bàn biện pháp đẩy mạnh SX, tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của Bắc Giang. Bên cạnh đó, các DN Hà Nội và tỉnh Bắc Giang đã chủ động liên hệ, gặp gỡ nhằm kết nối khai thác sản phẩm thế mạnh khác (vải thiều, mỳ Chũ, các sản phẩm làng nghề…).

Tại hội nghị lần này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái đã cùng ký vào bản kế hoạch Hợp tác tạo liên kết chuỗi từ SX đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chủ lực giữa Hà Nội và Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020.

Mục tiêu của bản kế hoạch này là các địa phương sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong SX, mở rộng thị trường, đa dạng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của hai địa phương. Xây dựng liên kết chuỗi giá trị từ SX đến tiêu thụ; lựa chọn một số sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh Bắc Giang, được SX theo quy trình an toàn sinh học, VietGAP, GlobalGAP, có nguồn cung ổn định để cung ứng cho thị trường Hà Nội.

Nâng dần thị phần tiêu thụ sản phẩm hàng hóa (trọng tâm là sản phẩm nông sản hàng hóa an toàn) của Bắc Giang tại Hà Nội và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của Hà Nội tại Bắc Giang. Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo kế hoạch hợp tác này, UBND TP Hà Nội sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hàng nông sản của Bắc Giang tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, nhất là trong các chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống.

Giới thiệu cho Bắc Giang các DN chế biến có uy tín, nhà phân phối, bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, ban quản lý chợ để kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn, ổn định SX và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho một số xe dưới 5 tấn chở hàng nông sản của Bắc Giang được lưu thông trên địa bàn vào những khung giờ thích hợp, kịp thời cung ứng hàng hóa tới các điểm bán hàng phục vụ người tiêu dùng tại Hà Nội. Đồng thời hỗ trợ Bắc Giang tổ chức một số địa điểm bán hàng với không gian diện tích phù hợp để chuyên trưng bày giới thiệu và thường xuyên bán các sản phẩm nông sản hàng hóa an toàn, sạch, phục vụ người dân ở Hà Nội.

Về phía UBND tỉnh Bắc Giang sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin, hình ảnh cụ thể về các sản phẩm nông sản hàng hóa an toàn của địa phương mình đến các cơ quan, đơn vị và các DN của TP Hà Nội như: chủng loại sản phẩm hàng hóa (vải thiều, gà đồi Yên Thế, lợn sạch Tân Yên, gạo thơm Yên Dũng, nấm Lạng Giang, na dai Lục Nam, các loại hoa quả có múi, rau cần Hiệp Hòa, mỳ Chũ, các loại rau củ quả sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn…), địa điểm SX, mẫu mã bao bì, thời gian thu hoạch, tiêu chuẩn sản phẩm, sản lượng, dự kiến giá bán, phương thức vận chuyển, giao hàng…

Khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đã cho vải thiều Bắc Giang hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND cấp huyện hướng dẫn doanh nghiệp, hộ nông dân tổ chức SX trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, quy trình VietGAP, GlobalGAP; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát quá trình SX từ khâu chọn giống đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản. Đảm bảo các sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường Hà Nội được an toàn, truy xuất được nguồn gốc.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, triển khai việc gắn tem nhãn cho các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, nhãn hiệu, đảm bảo hàng hóa tiêu thụ tại Hà Nội có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại Bắc Giang. Hỗ trợ các doanh nghiệp TP Hà Nội trong thời gian bán hàng tại các chương trình do tỉnh Bắc Giang tổ chức.

Đặc biệt, Bắc Giang sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ SXKD lớn của Bắc Giang liên kết chặt chẽ với các thương nhân tiêu thụ tại Hà Nội, thực hiện việc SX và thu mua sản phẩm nông nghiệp thông qua hợp đồng để đảm bảo ổn định nguồn cung, đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường.

Hai địa phương cũng cam kết sẽ chỉ đạo các ngành, các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện công tác kiểm tra ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Với những gì được thể hiện trong bản kế hoạch và với một quyết tâm chính trị rất cao của chính quyền hai địa phương, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, các sản phẩm chủ lực, trọng tâm là hàng hóa nông sản của hai địa phương sẽ được cung ứng đều đặn, đủ đầy, đảm bảo an toàn VSTP cho người tiêu dùng....

Bình luận của bạn