Hải Dương: Xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ nông sản
Ngày 28/4, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ quả vải và nông sản năm 2016. Hội nghị đã tạo cơ hội tiếp xúc, liên kết giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người sản xuất, hướng đến đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là cây vải trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Cương – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Với diện tích đất nông nghiệp 104.000 ha (chiếm trên 60% diện tích đất canh tác), Hải Dương có nhiều tiềm năng, thế mạnh sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa chủ lực. Những năm qua, Hải Dương tập trung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm như cây rau các loại và cây trồng lâu năm với 3 cây trồng chủ lực là vải, ổi, na. Trong đó, cây vải luôn giữ diện tích ổn định gần 11.000 ha, trồng chủ yếu ở huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh, cho sản lượng 50.000 tấn/năm. Vải thiều Thanh Hà đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý” năm 2007 và được công nhận Top 10 đặc sản vùng miền, lập kỷ lục Guiness cây vải tổ năm 2015.
Để tập trung đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, bà Lương Thị Kiểm - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương khẳng định, năm 2016 tỉnh đã tổ chức sớm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản. Theo đó, ngay từ đầu năm, những chuyến khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư, xuất khẩu nông sản ở nước ngoài đã được triển khai. Lần đầu tiên, ngành nông nghiệp, công thương và một số doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản cùng nhau tìm cơ hội tiêu thụ nông sản tại các thị trường như Thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) và Hàn Quốc. Tham dự hội chợ nông sản lớn nhất thế giới tại Thành phố Dubai. Qua chuyến khảo sát, đoàn công tác đã chủ động kết nối với một số doanh nghiệp tại đây để sớm có kế hoạch quảng bá và giới thiệu chi tiết hơn những nông sản thế mạnh của Hải Dương, đồng thời chủ động tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Trọng Tuệ, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho rằng, việc mở ra các thị trường mới đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của tỉnh Hải Dương trên thị trường. Chỉ tính riêng giá vải Thanh Hà năm 2015 đã cao hơn 20% so với năm 2014. Đặc biệt, không còn xảy ra hiện tượng ép giá và lệ thuộc vào thương nhân Trung Quốc; nông dân phấn khởi do được mùa, được giá, yên tâm đầu tư, sản xuất.
Với thị trường nội địa, đặc biệt với các hệ thống siêu thị như Fivimart, Sapomart, An Việt, Co.opmart, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty CP rau sạch Hà Nội, Công ty Phú Hưng…đã về Hải Dương tìm hiểu hợp tác sản xuất tiêu thụ nông sản, đặc biệt là tiêu thụ vải sắp tới. Thậm chí có đơn vị đã cử cán bộ đầu mối đặt hàng, đợi đến ngày thu hoạch để thu mua, vận chuyển và phân phối tới các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ từ Bắc vào Nam cho kịp tiến độ thời gian.
Bà Mai Khuê Anh – Giám đốc Điều hành Hapro cho biết: “Hapro đã nhận được kế hoạch xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương và ban hành kế hoạch kinh doanh nông sản của Hải Dương tại hệ thống các siêu thị và cửa hàng bán lẻ của Hapro, nhất là bán và giới thiệu vải thiều Thanh Hà tại hệ thống siêu thị Hapromart. Sự hợp tác chặt chẽ trong tiêu thụ nông sản, nhất là vụ vải vừa qua đã giúp Hapro giới thiệu được những đặc sản nổi tiếng của Hải Dương đến người tiêu dùng Thủ đô”.
Để tiêu thụ nông sản tại Hải Dương thuận lợi hơn, ông Nguyễn Anh Cương cũng đưa ra giải pháp, các doanh nghiệp, cơ sở tăng cường liên kết, thu mua nông sản cho nông dân với giá tốt nhất. Các địa phương có cảng biển, biên giới tạo điều kiện về thủ tục, cung cấp kịp thời các thông tin thị trường nước bạn để tỉnh chủ động điều tiết việc cung ứng sản phẩm, bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng đề nghị, tỉnh Hải Dương cần chủ động xây dựng phương án phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác tiêu thụ nông sản, trong đó có quả vải. Ngoài việc tổ chức kết nối tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam và TP. Hà Nội, năm 2016 và các năm sau cần tổ chức kết nối tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh, thành phố tại miền Trung. “Điều quan trọng là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và bảo quản, nâng cao chất lượng nông sản nói chung, quả vải nói riêng để mở rông tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, chủ động nắm tình hình thị trường, dự báo sản lượng tiêu thụ cụ thể cho từng thị trường” - ông Tuấn nhấn mạnh.