Hợp tác để nâng cao chất lượng cho nông sản ĐBSCL
Sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư, nhà phân phối và nhà sản xuất là giải pháp quan trọng để phát triển các chuỗi giá trị lúa gạo, trái cây an toàn, từ đó nâng cao chất lượng nông sản của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.
ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, nhất là sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực của nước ta. Hiện nay, với gần 3 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, hằng năm ĐBSCL đã cung cấp gần 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước (chiếm tới 20% thị phần gạo thế giới) và 70% sản lượng trái cây.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của mặt hàng gạo và các nông sản khác của Việt Nam chưa cao. Bên cạnh các chiến lược về tạm trữ, về quy mô của doanh nghiệp (DN) sản xuất, DN xuất khẩu thì chất lượng nông sản nói chung và gạo nói riêng còn thấp đã ảnh hưởng rất lớn tới giá trị xuất khẩu của nông sản Việt Nam.
Chính vì vậy, để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông sản lúa gạo, trái cây, thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ở ĐBSCL, qua đó nâng cao được lợi ích, thu nhập cho cả nông dân, hợp tác xã (HTX) và DN, vừa qua tại Hậu Giang, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), các ngân hàng và các DN khác đã ký kết chương trình phát triển các chuỗi giá trị lúa gạo, trái cây, thủy sản an toàn, chất lượng cao ở ĐBSCL.
Theo đó, các ngân hàng như BIDV, Agribank sẽ đưa ra những phương án vốn vay hợp lý để hỗ trợ nguồn vốn cho bà con nông dân cũng như các DN xuất khẩu nông sản; các công ty như PVCFC, Công ty Động cơ và Máy nông nghiệp miền Nam… sẽ là những nhà cấp nguyên liệu, vật tư, phân bón cho bà con nông dân với các chính sách ưu đãi nhất; các nhà phân phối như Liên hiệp HTX Mua bán TPHCM (Saigon Co.op) sẽ liên kết với nhà sản xuất để bao tiêu nông sản tiêu thụ trong nước.
Bên cạnh đó, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh trong khu vực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các HTX nông nghiệp, người sản xuất tham gia liên kết với DN, đồng thời tạo điều kiện để các DN liên kết với các HTX xây dựng dự án phát triển vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn.
Tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến nông sản, xây dựng cách đồng lớn; hướng dẫn các địa phương tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản trị của cán bộ quản lý HTX đáp ứng yêu cầu tổ chức liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản với các DN.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cung cấp các gói sản phẩm cho vay chuỗi cung ứng lúa gạo, trái cây, thủy sản, bao gồm dịch vụ thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, cơ chế chính sách ưu đãi cho vay các DN, HTX trong các chuỗi giá trị; cung cấp các khoản tín dụng thương mại nhằm hỗ trợ các DN, HTX nông nghiệp đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác, liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản, xây dựng cách đồng lớn. Đặc biệt, đa dạng hóa các hình thức cho vay tín dụng trong nông nghiệp, phù hợp với từng mô hình hợp tác liên kết khác nhau ở mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực sản xuất.
Ngoài ra, các DN cung cấp máy móc, vật tư nông nghiệp sẽ có các chính sách ưu tiên về giá cả, điều kiện thanh toán, bảo hành, tập huấn hướng dẫn sử dụng cũng như các kiến thức, kỹ năng sử dụng máy móc, kỹ năng sử dụng phân bón, vật tư nông nghiệp.
Lợi ích từ chương trình hợp tác nhiều bên
Đánh giá về vai trò của các chương trình liên kết, hợp tác giữa các bên, ông Hoàng Trọng Dũng, Phó Tổng Giám đốc PVCFC cho rằng, quá trình không chỉ giúp cung cấp các dịch vụ đầu vào ưu đãi, chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp; cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, nhu cầu tiêu thụ và các loại tiêu chuẩn chất lượng; tổ chức tiêu thụ nông sản hàng hóa của nông dân sản xuất theo quy trình đã được thống nhất giữa các bên nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của các nông sản hàng hóa… mà còn góp phần vào quá trình thực hiện các mô hình HTX thí điểm trong khuôn khổ Đề án 445 của Chính phủ, từ đó sẽ từng bước nâng cao năng suất, chất lượng nông sản Việt nói chung và nông sản ĐBSCL nói riêng.
Bên cạnh đó, quá trình quảng bá và phát triển thương hiệu của các bên tham gia hợp tác sẽ giúp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu của cả vùng. Đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành, nghề của DN khi tham gia liên kết phát triển chuỗi giá trị nông sản lúa gạo, trái cây, thủy sản ở ĐBSCL và quảng bá và phát triển thương hiệu của các DN.
Cũng dưới góc nhìn của một DN tham gia chương trình và là DN đã gắn bó rất mật thiết với ĐBSCL trong nhiều năm qua, ông Hoàng Trọng Dũng cho biết, thương hiệu Đạm Cà Mau từ khi mới thành lập đã xây dựng chiến lược phát triển theo triết lý đồng hành cùng người nông dân và HTX trong từng mùa vụ bằng các chính sách liên kết, hỗ trợ để góp phần giúp nông sản Việt được sản xuất tại các nông trường, HTX nâng cao giá trị, từ đó tăng tính cạnh tranh hàng nông sản Việt trên thị trường thế giới.
Chính vì vậy, không dừng lại chỉ là DN sản xuất và kinh doanh phân bón, Đạm Cà Mau còn thường xuyên tham gia vào diễn đàn hợp tác 4 nhà; cùng với các ngành chức năng, các DN nông nghiệp đẩy mạnh việc phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và thu nhập của bà con nông dân; thường xuyên tổ chức các mô hình trình diễn, tập huấn kỹ thuật bón phân và kỹ thuật nông nghiệp cho bà con nông dân; tham gia và cung ứng phân bón cho chương trình cánh đồng lớn…