Kết nối chặt giữa Hà Nội và các tỉnh đưa nông sản, thực phẩm vào TP

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tổ chức 6 đoàn công tác, gồm các cơ quan quản lí chuyên ngành và các đơn vị, DN tiêu thụ tại Hà Nội tới các tỉnh nhằm phối hợp liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, cũng đã có 10 đoàn công tác của các tỉnh tới Hà Nội tìm hiểu, kết nối với DN tiêu thụ nông sản.

Nhằm quản lí nông sản ngoại tỉnh đưa vào thị trường thủ đô, hiện Hà Nội đã triển khai việc cấp mã số với tổng cộng hơn 550 sản phẩm nông sản để truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết…

Ông Nguyễn Tiến Hưng, GĐ Cty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam, đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa các mối kết nối và thông tin về các sản phẩm tại địa phương, bởi thông tin về nhà cung cấp nông sản còn rất hạn chế. “Cty chúng tôi từ lâu đã phân phối sản phẩm cá bống bớp, nhưng chỉ lấy sản phẩm từ Quảng Ninh, Hải Phòng, chứ không nghĩ Nam Định lại nuôi cá bống bớp nhiều như thế”, ông Hưng nói trong chuyến công tác cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi khảo sát chuỗi thực phẩm sạch tại Nam Định, ngày 28/9.

Thực tế tại Nghĩa Hưng (Nam Định), hiện Cty SX giống và kinh doanh Thủy sản Sơn Nguyệt đã tổ chức liên kết với hàng trăm hộ dân trong huyện nuôi với diện tích hơn 1.000 ha cá bống bớp, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Sơn, GĐ Cty này cho biết việc tiêu thụ tại Hà Nội rất khó khăn do không có đầu mối phân phối.

Tại huyện Ý Yên (Nam Định), mới đây, Cty TNHH Toản Xuân đã đầu tư dây chuyền chế biến gạo chất lượng cao, liên kết với nông dân trong huyện SX với quy mô trên 500ha lúa.... 

Hiện Cty này đã được tỉnh Nam Định cấp chứng nhận chuỗi nông sản an toàn có xác nhận và đang tìm nhà phân phối gạo tại Hà Nội nhưng cũng rất thiếu thông tin. Theo ông Trần Quốc Toản, GĐ Cty, Hà Nội cũng như Bộ NN-PTNT nên có cơ chế hỗ trợ gian hàng để quảng bá thường xuyên cho các sản phẩm nông sản sạch đã được các địa phương chứng nhận.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đánh giá: Trên thực tế cả Hà Nội và Bộ NN-PTNT hiện nay thường xuyên tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, có hỗ trợ gian hàng cho các đơn vị, DN ở địa phương. Tuy nhiên ngay cả các nhà SX nông sản ở địa phương cũng khó tiếp cận thông tin.

Thứ trưởng Tám đề nghị, thời gian tới, Nam Định nói riêng và các địa phương khác nên giao cho một đơn vị đầu mối để thường xuyên tạo liên hệ qua lại giữa các nhà phân phối của Hà Nội với các nhà SX ở địa phương. Về phía Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ, GĐ Sở NN-PTNT cho biết hiện đã giao Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội là đơn vị đầu mối liên kết với các tỉnh.

Vì vậy, các địa phương khi cần thông tin kết nối với nhà phân phối nông sản tại Hà Nội, có thể trực tiếp liên hệ với đơn vị này. Ông Mỹ cũng cho biết, Hà Nội đã có chính sách dành ra 6 tỉ đồng để quảng bá, tuyên truyền miễn phí cho các sản phẩm, chuỗi nông sản sạch của các địa phương khi đưa vào phân phối tại Hà Nội. Vì vậy, các đơn vị, DN ở các tỉnh cần quảng bá sản phẩm, có thể liên hệ với Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội để được hỗ trợ..
 

Bình luận của bạn