Kết nối cung cầu hàng nông sản chuẩn GAP

“Chuẩn GAP xuất phát từ nhu cầu của thị trường”. Đó là khẳng định của các doanh nghiệp (DN) thu mua trái cây trên địa bàn tỉnh tại “Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản tiêu chuẩn GAP tỉnh” do Sở Công Thương vừa tổ chức.

DN và nông dân đều muốn GAP, nhưng…

Ông Đàm Văn Hưng - chủ cơ sở Hương Miền Tây (Mỏ Cày Bắc) nói: “Nông nghiệp tốt (sạch) là nhu cầu của thị trường. Điều này buộc cơ sở thu mua của chúng tôi phải yêu cầu bà con sản xuất theo. Hiện nay, các đối tác có nhu cầu thu mua sản phẩm sạch để cung cấp cho người tiêu dùng sử dụng tăng lên rất nhanh. Cơ sở chúng tôi đã bao tiêu sản phẩm của hơn 10 tổ sản xuất bưởi da xanh, trong đó chỉ có 3 tổ đạt tiêu chuẩn GAP, với sản lượng khoảng 200 tấn/năm nhưng gặp nhiều khó khăn khi bán đúng giá trị GAP ra thị trường. Bởi thực trạng hiện nay DN có nhãn hiệu bị các DN khác nhái tem, nhãn gây mất uy tín trên thị trường. Tôi đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ chấn chỉnh tình trạng này”.

Đồng tình với ông Hưng, bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Chợ Lách) cho rằng, chất lượng trái cây sẽ quy định sự ổn định và phát triển của DN tại thị trường đối tác. Theo bà Ngô Tường Vy, hiện hầu hết đối tác của Chánh Thu đều có nhu cầu mua sản phẩm “sạch”. Đó là bài toán lớn và chỉ có sự hợp tác tích cực của người nông dân mới giải quyết được. “Về lâu dài, tôi nghĩ tỉnh cần có thương hiệu chung về trái cây sạch và Nhà nước sẽ quản lý quyền nhãn hiệu này. Đồng thời ai muốn sử dụng nó phải thông qua cơ chế sàng lọc nghiêm chỉnh. Có như vậy, các DN làm ăn chân chính không còn đau đầu trước các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh. Đó cũng là cơ sở đáng tin cậy để DN gắn bó mật thiết hơn với nông dân khi cùng nhau tham gia chuỗi giá trị liên kết” - bà Ngô Tường Vy đề xuất.

Trong khi các DN khẳng định GAP là đích ngắm của họ để ổn định và phát triển thì đại diện các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) cũng hết sức đồng tình. Đại diện các THT, HTX bày tỏ mong muốn thời gian tới, khi ký hợp đồng bán cho DN nên có những quy định chặt chẽ hơn. “Chúng tôi gặp khó là cây trồng vào thời điểm thu hoạch, giá lên cao thì DN lại dè dặt trong thu mua. Nên hợp đồng cần phải chặt chẽ để được bảo vệ bằng pháp luật khi một trong hai phía không thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết”, ông Trần Hoàng Sở - Tổ trưởng THT chôm chôm Phú Phụng (xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách) nói.

Cũng theo ông Trần Hoàng Sở, thực trạng mà nông dân ở Chợ Lách “kêu trời” thời gian qua, đó là sản phẩm trái cây Chợ Lách bị các tiểu thương mang đi bán xa và mang trái cây cùng chủng loại ở địa phương khác về địa phương bán như trái cây Chợ Lách. Nông dân Nguyễn Văn Bé - THT sầu riêng Trung Hiệp (xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) bức xúc: “Việc đó diễn ra khá lâu rồi và ai cũng biết nhưng chúng tôi làm sao mà ngăn chặn được. Mặt khác, khi giá trái cây trên thị trường tăng, hút hàng mới có DN ráo riết săn tìm thu mua. Khi trái cây rớt giá lại để cho thương lái cấp 2 thao túng, nông dân không còn niềm tin chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn GAP”.

Tham gia chuỗi giá trị liên kết

Hiện toàn tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái là 27.700ha, trong đó chỉ có 300ha được chứng nhận VietGAP, GlobaGAP. Nguyên nhân chính do đầu ra không ổn định, giá cả chưa tạo sự khác biệt với sản phẩm thông thường, khiến người nông dân ngán ngại. Mặt khác, cơ cấu tổ chức điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế, người nông dân vẫn còn thói quen sản xuất tự cung, tự cấp và tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. “Đó là những khó khăn mà chúng ta cần thiết phải tìm cách tháo gỡ để có thể thực hiện nông nghiệp tốt đạt hiệu quả hơn. Đối với DN khi yêu cầu nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn sạch cũng nên xác định rõ mình đang hướng đến thị trường nào”, ông Huỳnh Quang Đức - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Quang Đức đánh giá rất cao các thành quả khiêm tốn trên, vì nó đã góp phần “khai sáng” uy tín của hàng nông sản Bến Tre trong mắt người tiêu dùng. Cụ thể, nhiều mặt hàng trái cây đã vào nhiều siêu thị, xuất khẩu được sang các thị trường khó tính. Qua đó, nâng giá trị lên rất cao. Đáng mừng là hàng nông sản tỉnh không có hàm lượng kim loại nặng, cũng như nhiều tiêu chuẩn khác khi các đơn vị uy tín kiểm định. Đó cũng là tiền đề quan trọng khi tiến hành sản xuất theo chuẩn GAP. “Qua thực tiễn, rõ ràng vai trò tuyên truyền của hệ thống chính trị địa phương là vô cùng quan trọng. Đây là nguồn lực cơ sở quan trọng đối với phía DN giúp an tâm khi đầu tư vùng nhiên liệu. Đặc biệt, trong xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản là một trong những chủ trương quan trọng của Tỉnh ủy hiện nay” - ông Huỳnh Quang Đức nói.

Theo thống kê của ngành Công Thương, hiện Việt Nam đã có 40 loại trái cây được xuất khẩu sang thị trường của hơn 40 quốc gia, với kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm, trong đó thị trường chính vẫn là Trung Quốc. Đó là một số lượng khá khiêm tốn, nguyên nhân do phần lớn DN Việt Nam không giải quyết nổi các đơn đặt hàng lớn từ nước ngoài. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn do chất lượng trái cây của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu thị trường của nhiều nước. Có trên 90% sản lượng trái cây của Việt Nam vẫn tiêu thụ ở thị trường nội địa nhưng phải nhập khẩu một lượng lớn trái cây từ các nước Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc…

“Tôi đề nghị phía các DN cần phải chú ý hơn trong việc bảo vệ sản phẩm GAP khi bán ra thị trường để giá trị của nó luôn được đảm bảo. DN chủ động hơn trong việc chia sẻ lợi ích với người nông dân. Làm được như vậy mới tạo được niềm tin, gắn kết lâu dài giữa DN và nông dân trong các chuỗi giá trị liên kết được”, bà Phạm Thị Hân - Phó giám đốc Sở Công Thương nói.

Tại hội nghị, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu, cơ sở Hương Miền Tây, cơ sở Lê Hải đã ký kết hợp đồng tiêu thụ mới với nhiều THT, HTX sản xuất trái cây trên địa bàn tỉnh.

Bình luận của bạn