Kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố: Ý nghĩa lớn, hiệu quả thiết thực

Năm 2015, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực triển khai các chương trình kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố phía Nam, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, thực hiện liên kết Hà Nội với cả nước và cả nước với Hà Nội.

Nhiều chương trình kết nối

Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, Hà Nội không những là thị trường tiêu thụ lớn của cả nước mà còn có thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa. Với mục tiêu kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm địa phương, Hà Nội đã tổ chức các chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương của thành phố Hà Nội tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên, các tỉnh phía Nam, đặc biệt là kết nối giao thương với TP.Hồ Chí Minh- trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Trong tháng 8 và tháng 9/2015, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn công tác thực hiện Chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương với khu vực Nam bộ tại Cần Thơ. Đoàn doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất của Hà Nội tham gia khu gian hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội tại Hội chợ- triển lãm Công Thương khu vực phía Nam năm 2015- Cần Thơ từ ngày 25/8/2015 đến 3/9/2015 với 15 DN, HTX, nghệ nhân các làng nghề gốm sứ, tranh thêu, túi cườm thủ công, lụa tơ tằm, gỗ mỹ nghệ, kim hoàn, mây tre đan, sơn mài, khảm trai… Tại đây, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức 20 gian hàng, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thế mạnh của các DN, cơ sở sản xuất truyền thống theo chủ đề: “Làng nghề - Phố nghề - Hà Nội- Kết tinh- Lan tỏa ”.

Hà Nội cũng cử đoàn cán bộ, DN thành phố Hà Nội thực hiện Chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên từ ngày 28/9/2015- 1/10/2015 tại Đà Nẵng.

Chương trình kết nối giữa hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho DN sản xuất, phân phối của Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tìm hiểu thông tin thị trường, hợp tác đầu tư, liên kết phát triển hệ thống phân phối... Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa giữa Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh năm 2015. Và trong tháng 11/2015, đoàn công tác của TP.Hồ Chí Minh gồm cán bộ Sở Công Thương và các DN đã ra Hà Nội tham dự Hội nghị kết nối giao thương. Các DN TP.Hồ Chí Minh đã đi thực tế một số DN, làng nghề trên địa bàn Hà Nội trao đổi thông tin, khả năng hợp tác, khai thác hàng hóa, thống nhất phương thức mua bán, giao nhận, vận chuyển...

Tạo đầu ra cho sản phẩm vùng miền

Theo bà Trần Thị Phương Lan, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và khu vực ngày càng sâu rộng, việc liên kết vùng để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng. Qua các chương trình kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố, các ngành chức năng của Hà Nội và các địa phương đã chủ động trao đổi kinh nghiệm, cách thức đưa hàng vào các chuỗi siêu thị, xây dựng kênh phân phối hàng hóa, xây dựng kế hoạch cung ứng cụ thể trong từng thời điểm để xác lập hợp đồng kinh tế giữa các bên.  

Tại Cần Thơ, đoàn công tác của Hà Nội đã tham gia thực địa, tham quan mô hình sản xuất tại các DN, HTX tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đoàn đã đến HTX rau an toàn Long Tuyền có hơn 11 ha sản xuất các mặt hàng nông sản: Ớt, khổ qua, dưa chuột, dưa hấu, dưa vàng, bí… Đặc biệt, HTX có mặt hàng dưa hấu vuông, thỏi vàng để phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, giới thiệu với các DN phân phối của Hà Nội để kết nối tiêu thụ trong thời gian tới.

Các HTX sản xuất cam, bưởi tại phường Tân Phú- quận Cái Răng có 172 ha diện tích trồng bưởi, 213,8 ha trồng cam, ngoài ra có các loại trái cây khác như nhãn, soài, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, hiện chủ yếu vẫn do các thương lái thu mua, tiêu thụ. Các HTX nơi đây mong muốn hợp tác với DN Hà Nội để phân phối trực tiếp tới người tiêu dùng phía Bắc.

Chương trình kết nối giao thương đã tạo điều kiện cho các DN, HTX, hộ sản xuất của các tỉnh, thành phố giao lưu, ký kết các hợp đồng kinh tế, định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới nhằm sản xuất các sản phẩm đủ số lượng, chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Các DN Hà Nội đã đưa ra những yêu cầu về chất lượng, bao bì, thương hiệu để đẩy mạnh khai thác những mặt hàng nông sản, thủy sản thế mạnh của các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ, miền Trung- Tây Nguyên như: Gạo tẻ, trái cây, thủy sản, cà phê, hạt điều, hồ tiêu..., đưa về thị trường Hà Nội tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối của mình.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã xúc tiến khai thác hạt điều của tỉnh Bình Dương, gạo đặc sản và các sản phẩm trái cây của tỉnh An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp. Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt khai thác sản phẩm tôm khô của tỉnh Cà Mau và tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm gia cầm với Công ty TNHH Ba Huân (TP.Hồ Chí Minh).

Tại các Hội nghị kết nối giao thương, DN Hà Nội cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với DN sản xuất, kinh doanh thương mại thuộc các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ, miền Trung- Tây Nguyên để trao đổi, cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Hapro, Công ty CP Nhất Nam, Công ty CP thực phẩm Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với DN sản xuất, kinh doanh thương mại của Đà Nẵng để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ về cà phê, thủy, hải sản, dịch vụ du lịch. Công ty CP Nhất Nam ký hợp tác với Công ty TNHH Nam Long sản xuất mặt hàng găng tay cao su mang nhãn hiệu riêng của Fivimart. Đại diện Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam Hà Nội trao đổi, hợp tác với các đơn vị sản xuất khu vực phía Nam để tạo điều kiện về thời gian, địa điểm tại chợ đầu mối, phục vụ việc vận chuyển, tiêu thụ các loại nông sản của các địa phương phía Nam ra thị trường Hà Nội…

Bình luận của bạn